Trồng hoa hồng dễ hay khó?

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 4035
  • Tổng lượt truy cập 10,292,734

Fanpage facebook

Ngày đăng: 10/01/2017, 08:17 am

 

Trồng hoa hồng dễ hay khó?

 

Bài viết nhằm chia sẻ suy nghĩ của cá nhân mình sau một thời gian được tiếp xúc với các bạn đam mê hoa hồng, yêu hoa hồng và trồng hoa hồng. Vì sao có bạn trồng được, cây nào cũng phát triển tốt, loại nào cũng ra hoa, và có bạn trồng một cây cũng thấy khá vất vả?

Hồng leo thiên hương Heritage Rose

 

Ai cũng bắt đầu từ sở thích, nhưng để thực sự trồng được hoa hồng, bạn cần phải yêu cây, yêu hoa và trân trọng thành quả của chính bản thân mình. Trồng hoa hồng cũng như bạn đang nuôi dưỡng tình yêu, hãy yêu cây bằng cả tâm hồn bạn, không có chỗ cho sự ngại ngần hay hời hợt . Trồng hoa hồng rất dễ mà cũng rất khó nếu bạn không hiểu cây.

Mình vẫn hay thích so sánh hoa hồng và con người, hoa hồng cũng như chúng ta rất dễ sống, chỉ cần các thứ thiết yếu như không khí để thở, nước để duy trì sự sống, nắng để kích hoạt các loại vitamin, dưỡng chất và vừa đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Cây cũng sẽ bị ốm bị bệnh, có bệnh ngoài da, có bệnh nguy hiểm đến sự sống, nhưng nếu chúng ta quan tâm hàng ngày, chỉ 10p mỗi buổi sáng, mình tin rằng cây hoa hồng của bạn lúc nào cũng khoẻ mạnh và cho hoa như ý.

1. Không khí: ở môi trường nơi bạn trồng, cần thoáng đãng, lưu thông tốt. Mùa hè sẽ giúp cây giảm nhiệt hấp thụ qua lá, mùa đông ẩm ướt đỡ nấm mốc, mùa khô đỡ lây lan bệnh do sâu bọ mang tới. Không khí còn cần cho bộ rễ của cây, giống như bạn không thể sống trong 4 bức tường bức bí ngày này qua ngày khác được, chậu cho cây có thể đẹp, nhưng cần có đủ lỗ để thoát nước, không khí giao hoà với đất trồng. Đất trồng cũng chính là ngôi nhà của bộ rễ, hãy cho bộ rễ đủ không khí, có oxy để phát triển. Đó là lý do vì sao mọi người hay trộn thêm các loại hạt cứng perlite, hay than củi đập dập ..v.v. nhằm gia tăng độ tơi xốp của đất.

2. Nước: cũng như với con người nước chiếm đến 60%, nước chủ yếu nằm trong các tế bào của cây. Với hoa hồng, nước giúp duy trì sự sống. Nước hoà tan các chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây hấp thụ được một cách dễ dàng. Nhưng tưới bao nhiêu nước là đủ?

Không có câu trả lời cố định, vì còn phụ thuộc vào đất trồng của bạn là loại gì, độ tơi xốp ra sao, chậu của bạn mức độ giữ nước thế nào, thời tiết nóng lạnh, nhưng tựu chung cũng rất giống con người chúng ta, hoạt động nhiều ra nhiều mồ hôi sẽ cần uống nhiều nước hơn ấy là khi trời nóng khiến tốc độ mất nước ở cây nhanh hơn, trời mưa ẩm thì nhu cầu về nước giảm đi . Còn khi bị ốm thì nước lại rất cần để thải chất độc ra ngoài. Đấy là khi cây của bạn bị ngộ độc “thức ăn” hay “thuốc chữa” khi được chăm bón quá mức. Vậy cách dễ nhất để biết khi cây cần tưới nước là bạn dùng bàn tay mình để cảm nhận độ ẩm của đất, nếu thấy đất đã se thì là lúc cần tưới.

3. Nắng: hoa hồng cần nắng để thực hiện sự quang hợp qua bộ lá, thực hiện quá trình trao đổi chất, tổng hợp các chất dinh dưỡng giúp cây ra hoa. Tổi thiểu cây cần 4h nắng mỗi ngày. Thiếu nắng cây sẽ kém hoa. Tuy nhiên nắng nóng quá gay gắt cũng sẽ khiến hoa nhanh tàn, lá bị khô.

4. Chất dinh dưỡng: nguồn thực phẩm cho hoa hồng từ hữu cơ và vô cơ (hay hoá học). Nguồn dinh dưỡng hữu cơ, cây có thể hấp thụ dinh dưỡng từ các nguồn như: tôm, cua, cá, rau, cà phê, đậu nành, chuối , vỏ chuối..v.v. Tôm cua cá có thể xử lý bằng cách xay ra và ngâm, rồi tưới. Hoặc công nghiệp hơn thì dùng sản phẩm có sẵn trên thị trường ở dạng đạm thuỷ phân. Các loại hữu cơ thực vật bạn có thể để hoai mục rồi bón như lá cây, hoặc vùi xuống dưới gốc cũng rất tốt.

Nguồn vô cơ có 2 loại là hoà tan lập tức hay tan chậm. Với mình thì loại nào cũng có tác dụng, nhưng với các nguồn vô cơ, các bạn đừng vì quá nôn nóng muốn cây hồng lớn nhanh mà mạnh tay cho ăn một lượng lớn khiến cây bội thực, hiện tượng xót rễ, dẫn đến chết cây rất phổ biến là vì thế. Như ta uống quá nhiều thuốc bổ bị ngộ độc vậy thôi. Đây là lúc cần đến tình yêu hoa hồng và lòng kiên nhẫn của bạn.

Dinh dưỡng cho cây có thể hấp thụ qua hai đường là qua rễ và qua lá, có lẽ cũng như chúng ta hay bôi các loại kem trên da và ăn thức ăn bổ dưỡng qua đường dạ dầy ấy nhỉ.

**Sâu bệnh: Bệnh thế nào được coi là bệnh ngoài da, đó là các bệnh xẩy ra trên lá, trên vỏ cây như rệp, bọ, sâu, nấm lá. Các bệnh này có thể xử lý được nếu phát hiện kịp thời, còn nếu đã bị nặng sẽ có hiện tượng cây trút lá, gây mất thẩm mỹ, nhưng sẽ không gây chết cây, hay ít nhất là chết cây ngay lập tức. Tuy nhiên sẽ làm giảm sút sức khoẻ của cây đáng kể. Tuỳ mức độ nặng nhẹ mà cây cần 2-3 tuần để phục hồi và ra lá đẹp trở lại.

Các bệnh nan y gây chết cây thường xẩy ra ở bộ rễ, ở trong thân, cành của cây: như bệnh thối rễ, ít rễ, không ra thêm rễ mới, xót rễ do quá liều phân vô cơ, thuốc trừ sâu tưới vào gốc, thiếu không khí rễ không phát triển, cây nhỏ yếu đã ít rễ ngay từ đầu kèm theo chế độ chăm sóc không phù hợp. Bệnh ở thân cành, do sâu đục thân gây ra (cái này mình hiếm thấy gặp) , do nấm mốc ăn sâu qua lớp vỏ, có thể khởi điểm từ việc bị nấm mốc ngoài da gây nên, gây chết cành, cành chết có thể lan dần xuống gốc và lan từ cành này sang cành khác, dẫn đến chết cây sau một thời gian không được chữa trị.
Tựu chung lại một điều mình muốn gửi gắm, đó là: Trồng hoa hồng không khó, chỉ cần bạn có tình yêu với cây, dành ra 10p hàng ngày mỗi sáng để chăm sóc. Nếu mình có thể trồng được thì các bạn cũng có thể trồng được.

Chúc mọi người có vườn hoa hồng như mơ ước!
Ps: yếu tố quan trọng không kém quá trình chăm trồng đó là chọn cây. Bạn có thể tham khác thêm các bài viết khác của mình về cây cũng như chất lượng của cây trồng để chọn được một cây phù hợp.

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác