Thực hư về lan gấm phong thủy, chữa bách bệnh

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2205
  • Tổng lượt truy cập 10,248,153

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/12/2013, 10:27 pm

Vài tháng trở lại đây, giới sành chơi Hà thành đồn thổi về một loài lan cảnh phong thủy, xua đuổi tà ma trong nhà và có thể chữa bách bệnh. Đó là cây lan gấm hay còn gọi là cây kim cương. Vì thế, cây này đang từ vài chục đến vài trăm nghìn/cây thành món hàng độc được "săn" với giá rẻ nhất là 1 triệu đồng/cây.

Bỗng dưng đắt giá

Lan gấm có nhiều ở vùng rừng huyện Kon Rẫy, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Loài cây này mọc dọc các con suối, con sông, mùa xuân, hoa nở rất đẹp. Với người dân địa phương, nó là một loài cây rừng bình thường như bao cây rừng khác. Khi phát hiện ra nó là một loại thảo dược, người dân địa phương vẫn "bình thường" với nó. Song, từ khi có nhiều người ở thành phố, thị xã đến mua, "săn" lan gấm thì nó bắt đầu trở thành thảo dược chữa bách bệnh, thành cây phong thủy đem tài lộc đầy nhà.

Cận cảnh lá lan gấm.

Bà Hoàng Thanh An - giám đốc một công ty về bất động sản ở Hà thành cho biết: "Nghe người ta mách, mua lan gấm về nhà làm cảnh, phong thủy sẽ khác. Tôi chi 7 triệu đồng cho chậu lan gấm, để ngay cạnh bàn uống nước của phòng khách. Ai vào cũng khen đẹp nhưng công việc làm ăn của tôi vẫn vậy, chẳng hanh thông hơn. Do làm việc nhiều, tôi hay mệt mỏi, giấc ngủ đêm chập chờn, thường mơ thấy ác mộng. Bạn bè mách rằng, lan gấm sẽ xua đuổi tà ma, đem lộc đầy nhà... Vậy mà đã 6 tháng rồi, chẳng thấy lộc, cũng không thấy giấc ngủ của tôi bớt mộng mị".

Không riêng gì bà An mà nhiều người có điều kiện kinh tế đã "săn" lan gấm về sở hữu với ý nghĩa "tín" nhiều hơn là làm cảnh. Ông Trần Đức Hướng, giám đốc một chuỗi cửa hàng nội thất ở Hà Nội "yêu" lan gấm, dành tặng cho nó những lời vàng ngọc: "Lan gấm mọc ở trong rừng nên nó tinh khiết, nguyên thủy và hoang da, nó trừ tà ma rất tốt. Người sở hữu nó, "yêu" nó thực sự sẽ tự cảm thấy mình được bao bọc, chở che; đang khó khăn trong làm kinh tế, sẽ được giải quyết; công việc đang hanh thông thì lộc đầy nhà... Tinh thần lúc nào cũng sảng khoái, yêu đời".

Ông Hướng bật mí: "Lan gấm ở trong rừng hoang, khi mình mua về sở hữu, mình phải đặt nó ở cạnh người, có hơi ấm của người thì mới phát huy tác dụng. Để lan gấm trơ trọi ở phòng khách, sao chẳng lạnh lẽo. Mua lan gấm về, tôi nhờ thầy phong thủy xem, thầy mách để đâu, để vào đó. Chậu lan gấm của tôi để ngay đầu giường ngủ của hai vợ chồng. Sáng, tôi mang ra hành lang, cho "cây yêu" thưởng thức gió, nắng, tối mang vào gần mình...".

Ông Hướng thừa nhận, từ ngày những người có điều kiện kinh tế mua lan gấm nhiều thì giá lan gấm cũng tăng đến chóng mặt. Anh Đức Kiên, chủ hàng cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) xác nhận điều này. Theo anh Kiên, cuối năm 2011, lan gấm chỉ là lan đất, lan rừng bình thường, nó có "giá trị" với người yêu, sưu tầm các loài lan làm cảnh chơi. Từ khi nó được các đại gia thổi phồng lên thành lan phong thủy, có tác dụng trừ tà ma, chữa bách bệnh, giá tăng lên theo tuần, thậm chí đợt tháng 9, tăng theo ngày. Mấy chậu lan gấm xấu xí đến mức bỏ đi mà cũng bán được gần triệu đồng.

Anh Kiên thừa nhận: "Giờ muốn sở hữu một chậu lan gấm ưng ý, phải đặt trước ít nhất 20 ngày và 5 triệu đồng. Khi nào lan về, giá cả cụ thể, thanh toán sau...". Nghe xong, tôi phát hoảng. Mua lan làm cây cảnh chơi mà cứ như đi mua thực phẩm thời bao cấp, phải xếp hàng, chờ đợi ấy.

Công dụng do... đồn thổi

Được biết: Cây lan gấm có nhiều tên gọi khác là cây kim cương, cây thạch tằm... Tên khoa học của loại cây này là Anoechilus roxburglihayata, thuộc họ lan (Orchidaceae). Lan gấm là loài địa lan, thân tròn có nhiều nách, dạng thân bò, rồi đứng, cao khoảng 20cm. Lá lan gấm trơn, hình trứng hoặc hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp, phân bổ như mạng nhện từ 5 chủ mạch gân chính trở lên nên gọi là kim tuyến liên. Mùa xuân cây nở hoa màu trắng, nhụy hoa vàng có lông. Theo phân bổ địa lý và sự thích ứng với thổ nhưỡng, thì cây lan gấm có nhiều tại các vùng rừng già, hốc đá ở Lâm Đồng (Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh), Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông...

Lan gấm được người dân khai thác trong rừng mang về bán.

Bác sỹ Đông y Nguyễn Xuân Hướng cho biết: Lan gấm là một vị thuốc Đông y nhưng không thông dụng. Nó có vị ngọt, chát, tính mát, có tác dụng tư âm (bổ dưỡng mặt âm), an thần, nhuận phế (mát phổi), sinh tân dịch, tiêu viêm. Lan gấm là một trong nhiều nguyên liệu của thuốc Đông y, dùng chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược chứ không phải để chữa tim mạch hay ung thư, chữa bách bệnh như nhiều người đồn thổi.

Theo bác sỹ Hướng, dược thảo lan gấm không thông dụng nên PV tìm khắp các hiệu thuốc bắc, về làng bán dược liệu thuốc bắc ở Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) mà không tìm được lan gấm khô.

Lan gấm có phải là thảo dược quý hiếm, chữa bách bệnh thật không, vấn đề trên, một bác sỹ Đông y khác (xin được ẩn tên) lại có cách giải thích rất khác. Theo vị bác sỹ này, ngành Đông y Trung Quốc, Đài Loan đánh giá lan gấm là thảo dược có tác dụng chữa nhiều bệnh như: Tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông; chữa thần kinh suy nhược; ho khan; đau họng; cao huyết áp; suy thận; chữa di tinh; đau lưng; phong thấp; làm tiêu đờm; giải độc, giải nhiệt; chữa các bệnh viêm khí quản; viêm gan mãn tính... Đặc biệt, nó là dược liệu chữa các bệnh liên quan đến gan, thận, phổi, tăng cường khả năng sinh lý nam rất tốt.

Người Trung Quốc còn bào chế lan gấm thành trà để uống. Ngoài ra, vị bác sỹ này còn hướng dẫn, dùng lan gấm tươi (cả rễ, thân, lá) hoặc khô đun nước lên, uống nước này, chữa nhiều bệnh trực tiếp. Nếu bị thương, lấy lan gấm tươi, nghiền nhỏ, đắp trực tiếp vào vết thương sẽ đỡ đau, đỡ sưng tấy... Lan gấm còn có công dụng chữa rắn độc cắn hữu hiệu.

Đem chuyện cây lan gấm chữa bách bệnh hỏi tiến sỹ Nguyễn Duy Thuần, nguyên phó viện trưởng, viện Dược liệu Việt Nam, PV được nghe ý kiến: Theo các sách y học Việt Nam thì lan gấm là loại thân mềm, màu tím, mặt trên của lá có nhiều sọc trắng dạng hình thoi, khi ăn vào có vị ngọt, giống như các loại rau thường, không độc tố.

Sách y học không thấy ghi nhận loại cây lan gấm dùng làm thuốc chữa bệnh. Thời gian qua, loài cây lan gấm này bị khai thác triệt để, bán cho thương lái người nước ngoài với giá cao. Người Việt có điều kiện kinh tế, sành chơi cũng sở hữu nó như báu vật, huyễn hoặc công dụng của nó lên. Thực chất, chưa có công trình nghiên cứu khoa học y học Đông y nào khẳng định lan gấm là thuốc chữa bách bệnh.

Giá hàng ngàn USD/1 kg

Trả lời trên báo chí, tiến sỹ Võ Đình Quang, giám đốc chi nhánh viện Ứng dụng công nghệ và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã cùng cấp những thông tin đa dạng hơn về lan gấm. Theo hai vị này, lan gấm là nguyên liệu làm thuốc chữa nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Loài lan quý này đang được thị trường thế giới thu mua với giá đến 3.200 USD/kg khô, nếu là lan tự nhiên, lan rừng thì giá cao gấp 3 lần.

Cũng theo tiến sỹ Quang thì lan gấm có hoa đẹp, làm cây cảnh trong nhà rất phù hợp. Với người miền núi, lan gấm còn có tác dụng chữa trị vết thương do rắn độc cắn. Tiến sỹ Quang bộc bạch, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật đã trồng và xuất khẩu lan gấm mang lại nguồn thu lớn. Nước ta có tiềm năng trồng, sản xuất và xuất khẩu cây lan gấm rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức.

Theo khảo sát, nước ta có tới 15 loài lan gấm phân bố rải rác ở rừng nhiều tỉnh, có thể tập hợp lại, trồng, xuất khẩu thu lợi nhuận, tại sao không? Như vậy, có rất nhiều ý kiến khác nhau về công dụng thực của lan gấm trong đông y cần được các nhà khoa học nghiên cứu, khai thác. Song, lan gấm phong thủy, trừ tà ma thì chỉ là đồn thổi.

Lê Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác