Thú chơi lan của người Hà Nội

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 5513
  • Tổng lượt truy cập 10,271,286

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 08:16 am

Thú chơi lan của người Hà Nội

KTĐT - 03/02/2010 10:48

Thu choi lan cua nguoi Ha Noi

KTĐT - Một lần đi thăm quan du lịch, lúc đi ngang qua sườn núi, tình cờ tôi nhìn thấy một bông lan tím trắng nằm ẩn hiện giữa đại ngàn cây xanh. Tôi rẽ các bụi cây, trước mắt tôi hiện ra một bông hoa, hoa phong lan rừng. Đẹp quá. Loài hoa nở ra từ tinh túy của đất trời. Hương sắc thắm đượm, dịu dàng, hòa quyện cùng mây núi làm say đắm lòng người. Tôi thích và tìm chơi hoa phong lan từ ngày ấy.

Những năm 90, vườn nhà tôi mới chỉ có độ hơn 10 giò lan treo dưới những cây bóng mát. Thế rồi số lượng và chủng loại cứ tăng dần theo sở thích và sự tìm tòi của tôi. Bây giờ giàn lan nhà tôi đã có hơn 1000 giò với hàng trăm chủng loại ký trên các gốc và chậu đất nung, bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở để thưởng thức.

Phong lan là loại cây sống tự nhiên, nhờ khí trời. Các loại lan rừng sống nhờ trên các thân cây hay vách đá được che mát, bảo vệ bởi các tán cây rừng. Cả lan rừng và lan công nghiệp khi rời rừng núi, vườn ươm đến các vườn nhà đều phải được che mát và bảo vệ. Do đặc tính và nơi sinh ra chúng khác nhau nên sự thích nghi đối với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm cũng khác nhau. Có loài chỉ cần 30% lượng ánh sáng mặt trời để phát triển nhưng có loài lại cần đến 60% - 70% lượng ánh sáng mặt trời mới phát triển tốt. Như thế là tất cả các loại lan đều cần được che mưa, nắng và có môi trường thích hợp để phát triển. Ở vườn nhà tôi, tôi làm khung giàn che một lớp lưới chung cho các loại lan. Từ tháng 5 đến tháng 7 tôi che thêm một lượt lưới nữa để bảo vệ cây, tránh những ngày nắng quá.

Việc phun tưới hàng ngày cho lan thì đơn giản nhưng cũng phải có kỹ thuật và hết sức để ý. Với phong lan nếu tưới nhiều thì cây bị ủng, thối; tưới ít thì cây bị khô, không phát triển được. Bình thường, mỗi ngày tôi chỉ phun tưới một lần. Những ngày quá nóng hay hanh khô tôi tưới 2 lần. Thời gian phun tưới tốt nhất là vào khoảng 16h đến 17h. Khi tưới cố gắng phun cả vào thân, lá, rễ cho cây. Cả lan rừng và lan công nghiệp chỉ cần ánh sáng và môi trường thích hợp là có thể phát triển và trổ hoa. Nhưng để lan phát triển khỏe hơn, hoa thắm và bền hơn thì bón thêm loại phân tan, B1 và thuốc kích thích. Từ nhiều năm nay vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch cứ khoảng 20 đến 30 ngày tôi phun thuốc kích thích ra hoa và cho lan “ăn” thêm B1 để mùa xuân lan ra hoa nhiều và đẹp hơn.

Phong lan sống “lơ lửng giữa trời” và sống “thanh cao tinh khiết” như thế cũng có sâu bệnh làm hại đấy. Ở vườn lan nhà tôi trước kia có các loại bệnh như vàng lá, thối ngọn, đốm đen, muội trắng, sâu trong lá (trong lan đai trâu). Qua nhiều năm tôi tìm hiểu nguyên nhân có nấm bệnh là do lây từ lan mới nhập về, vườn để dày quá thiếu ánh sáng, môi trưởng bẩn và nguồn nước tưới nhiễm bẩn. nếu có nấm bệnh, tôi phun loại COOC 85 và thuốc bảo vệ thực vật để trừ nấm bệnh. Nếu bệnh nặng thì phun thuốc đậm đặc hơn và khoảng thời gian giữa hai lần phun gần hơn (7 – 10 ngày) cho tới khi hết nấm bệnh. Bình thường thì phun thuốc theo định kỳ. Khi phun tôi phun đều vừa phải. Nếu phun quá đậm lá sẽ bị vàng và có thể thối, hỏng.

Để có nhiều loại lan, tôi tìm mua ở các nơi. Chợ Bưởi ở trên phố Hoàng Hoa Thám là chợ bày bán khá nhiều loại lan. Các loại lan từ núi rừng Tây Bắc, Hòa Bình, Trường Sơn và Lào đưa về. Các loại lan công nghiệp từ các vườn ươm của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và lan từ Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc nhập về bày bán la liệt. Cùng với các chi hội lan của huyện Gia Lâm đi tìm hiểu tham quan, học hỏi, đến các vườn lan của Hải Phòng, Hải Dương, TP.Hồ Chí Minh hay Sapa, Đà Lạt tôi cũng tìm mua được một số chủng loại lan yêu thích.

Có người bạn cũng thích phong lan nhưng chưa chơi bao giờ, hôm đến nhà tôi, thấy tôi “thao tác”, ông ấy quan sát tôi làm rồi nói: “Thế ra, làm ít giò phong lan chơi cũng đơn giản”. Ngày xưa các cụ có câu “vua chơi lan, quan chơi trà” nhưng bây giờ thì khác, vua chơi lan và dân cũng chơi lan, chơi trà. Chỉ cần vài chậu đất nung hay vài đoạn gỗ là ai cũng có thể làm được ít giò lan để chơi. Các loại lan rừng thường ký vào thân gỗ, các loại lan công nghiệp nên trồng vào chậu đất nung. Gọi là trồng nhưng không phải trồng bằng đất mà trồng trong các lại giá thể như mùn cưa, xơ dừa, than hoa, mảnh vỏ gỗ mục… Nếu chơi ít thì không cần phải làm giàn che, chỉ cần treo dưới các tán cây, ban công quanh nhà thì nhà ai cũng có thể có mười giò, chậu lan để chơi.

Mỗi loài hoa thời gian ra hoa cũng khác nhau. Có loài chỉ ra hoa mỗi năm một lần vào mùa thu, mùa hè hay mùa xuân. Có loài gặp thời tiết thuận thì ra hoa. Mỗi loài hoa đều có hình dáng, màu sắc, vẻ đẹp riêng. Cùng loài hồ điệp, có loài hồ điệp trắng môi đỏ, có loài hồ điệp trắng môi vàng, hòa màu đỏ tím, màu cánh sen… Hoa vũ nữ có sắc vàng, nâu, tím; cọng hoa cong đu đưa trong gió trông thật duyên dáng, đáng yêu. Bông đen rô bật ra từ thân hình cao nghều, khắc khổ mà tươi tắn, rực rỡ làm sao. Những bông hài nho nhỏ, trắng vàng, óng ánh như ngọc, đậu ướt sương đêm, chờ tia nắng mặt trời lên để nhẹ nhàng thức dậy, rung rinh. Tôi thích nhất là Catila. Catila nở ra trông lộng lẫy, kiêu sa. Đúng là “hoàng hậu các loại lan”. Ngắm bông Catila trắng muốt môi tím đỏ, cứ ngỡ gặp cô dâu đẹp trong bộ váy áo ngày cưới, “mười phân vẹn mười”.

Hoa phong lan – một loài hoa sinh ra từ tinh túy của đất trời, thanh tao, tinh khiết luôn gần gũi với mọi người.

Nguyễn Văn Luận

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác