Thái Bình nên phát triển du lịch "biển hay làng"?

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3205
  • Tổng lượt truy cập 10,291,904

Fanpage facebook

Ngày đăng: 31/05/2013, 10:51 am

Thái Bình nên phát triển du lịch "biển hay làng"?

22 / 05/ 2013, 01:05:12

Sở VHTTDL Thái Bình đã quyết định quy hoạch cho hai khu du lịch biển nhằm đẩy mạnh và thu hút khách du lịch.

Hai khu du lịch biển ở Thái Bình đã được lập quy hoạch và được xác định là trọng điểm thu hút đầu tư xây dựng. Trong khi đó, các điểm du lịch văn hóa – lịch sử vẫn chưa có hướng đi cụ thể.

Lại là biển


Biển không phải thế mạnh của “đất lúa” xét trong tổng thể du lịch biển vùng đồng bằng sông Hồng. Nhưng hiện nay, khu sinh thái Cồn Vành và Cồn Đen lại là hai điểm đến đông khách và ổn định nhất ở Thái Bình, sau đó mới là các điểm du lịch lịch sử tâm linh chùa Keo (Vũ Thư), Đền Trần (Hưng Hà) vào mùa hội chính.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, khách đến Thái Bình với mục đích du lịch thuần túy chiếm tỷ lệ rất thấp. Đại đa số là khách kết hợp du lịch với hội thảo, hội nghị, hành hương, thăm thân. Trong đó, nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống cao hơn nhu cầu khám phá, trải nghiệm.

Thai binh len phat trien du lich "bien hay lang"
Điểm du lịch Cồn Vành của Thái Bình

Số liệu thống kê Sở VHTTDL Thái Bình cho thấy, trong năm 2012, tính riêng lượng khách đến điểm du lịch biển Cồn Vành đạt mức 90.000 lượt. Ngày cao điểm của mùa hè trung bình có 3000-4000 lượt khách.

Lượng khách duy trì ổn định từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Còn tại Chùa Keo, Đền Trần, khách chỉ tập trung cao điểm vào tháng Giêng, giảm dần đến tháng Ba Âm lịch. Đa phần là khách lễ, chi tiêu thấp, không lưu trú qua đêm.

Thực tế này giải thích cho việc Cồn Vành (Tiền Hải) và Cồn Đen (Thái Thụy) được ưu tiên chú trọng đầu tư và khai thác.

Theo quy hoạch, điểm đến Cồn Vành có quy mô lớn hơn cả với các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí thể thao biển và du ngoạn biển, khu sân golf, khu du lịch văn hóa tổng hợp, các khu chức năng gắn với hệ sinh thái sông – biển…

Thái Bình nên phát triển du lịch "biển hay làng"

Song, theo các chuyên gia, những dịch vụ nghỉ dưỡng biển này không mới và khó cạnh tranh được với các khu nghỉ dưỡng biển khác trong cùng vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là những địa phương đã có truyền thống khai thác lâu năm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định. Do đó, sản phẩm du lịch biển của Thái Bình khó tạo nên lượng khách đột phá nếu chỉ khai thác riêng lẻ.

Nên kết hợp “làng” với biển

Ông Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng: hướng đi tốt nhất cho du lịch Thái Bình là kết hợp “làng” với biển để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù.

Thái Bình là địa phương còn lưu giữ đa dạng nhất các giá trị văn hóa tiêu biểu của Đồng bằng Bắc bộ hiện nay. Không chỉ là hệ thống di tích lịch sử Đinh - Lý – Trần – Lê – Trịnh – Nguyễn, Thái Bình còn nổi trội so với các tỉnh khác trong vùng về số lượng lẫn giá trị của các làng nghề thủ công cổ, các sinh hoạt làng quê truyền thống gắn với nghệ thuật diễn xướng dân tộc như hát chèo, rối nước, múa cổ, lễ hội dân gian…

Thai Binh len phat trien du lich "bien hay lang"

Trong chuyến khảo sát mới đây tại Thái Bình do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng: Nếu hệ thống hạ tầng phát triển ở mức độ nhất định, thì việc kết nối các điểm đến văn hóa – lịch sử - sinh thái điển hình sẽ tạo nên các tour du lịch đặc sắc. Ví như: từ Đền Trần ở Hưng Hà vào làng chiếu Hới, qua Chèo làng Khuốc ở Đông Hưng, ngược lại chùa Keo và làng vườn Bách Thuận ở Vũ Thư, xuống làng chạm bạc Đồng Xâm và làng mây tre đan Thượng Hiền ở Kiến Xương và kết thúc tại Cồn Vành ở Tiền Hải.

Mỗi một tour có thể khai thác các điểm đến văn hóa và làng nghề khác nhau trong tổng số hơn 100 làng nghề đang hoạt động ổn định ở Thái Bình. Không quên khai thác điểm nhấn ẩm thực cổ truyền ở mỗi địa phương như canh cá Quỳnh Côi, bánh Cáy làng Nguyễn, cốm Thanh Hương, gỏi nhệch Diêm Điền, nộm sứa Thái Thụy…

Hiện tại, nhiều làng nghề ở Thái Bình đang hoạt động tốt với các giao dịch thương mại sôi nổi cả trong và ngoài nước nhưng hạ tầng cho phát triển du lịch (đường xá, dịch vụ mua sắm, ăn ngủ nghỉ) lại chưa có. Điển hình như làng chạm bạc Đồng Xâm, hàng tháng các đoàn khách thương mại về đây khá đông, trong đó có cả người nước ngoài, nhưng đến bãi đỗ xe dành riêng cho khách cũng không có.
Thai Binh nen phat trien du lich"bien hay lang"

Ông Lương cho hay: nếu hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng tại các làng nghề được đầu tư xây dựng, người dân ở làng nghề sẽ không chỉ sản xuất sản phẩm thông thường mà còn hưởng lợi nhiều từ du lịch như cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, sản xuất đồ thủ công lưu niệm bán cho du khách… Qua đó sản xuất và du lịch hỗ trợ được cho nhau hiệu quả hơn, đặc biệt ở khâu quảng bá sản phẩm tại chỗ.

Ông Nguyễn Phúc Điền – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình cho biết: Hiện tỉnh Thái Bình đang khuyến khích và tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng nghề và làng quê Bắc bộ điển hình. Sở cũng đang tiến hành các bước để kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lữ hành cũng như chuẩn bị nhân lực quản lý, đào tạo nghề du lịch cho địa phương để sản phẩm du lịch cộng đồng sớm được ra đời và khai thác hiệu quả nhất

http://www.dulichvietnam.com.vn/

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác