Người nghiện lan rừng

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2021
  • Tổng lượt truy cập 10,244,687

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/05/2013, 11:05 am

Người nghiện lan rừng

Thứ Năm, 24/04/2008 15:54

Tuấn Anh giờ là chủ nhân không chỉ của một, mà là một hệ thống vườn lan, chắc chắn là lớn nhất Hà thành, nhưng cái niềm đam mê đi rừng tìm lan vẫn chưa bao giờ tắt trong con người anh. Thi thoảng, ông chủ ấy lại một mình, một đôi giày vải, một ít thuốc chống vắt, ít lương thực, cưỡi một chiếc xe máy, và đương nhiên, sau lưng là một cuộn dây thừng, để đến với bất kỳ vùng rừng núi nào. Với cuộn dây thừng, con người gầy gò mảnh khảnh ấy biến thành một chàng... Tazzan, nếu anh phát hiện ra một giò lan “đậu” trên một cây gỗ nào đó...

Qua đêm trong rừng sâu, vì... phong lan

Trần Tuấn Anh và một số loài lan quý trong sưu tập của anh.  Ảnh: L.S

Khi được hỏi: "Chuyến đi rừng tìm phong lan nào ấn tượng nhất?", Nguyễn Tuấn Anh đã băn khoăn mất một lúc, rồi trả lời: "Chuyến đi nào cũng ấn tượng cả!". Tưởng anh nói đùa, nhưng Tuấn Anh bảo: "Cứ nhìn nước da, nhìn dáng mình thì biết người đi rừng thế nào".

Tuấn Anh nói đúng. Da anh tai tái, dáng người gầy gò, khuôn mặt khắc khổ. Dù bây giờ cuộc sống đã khá giả hơn rất nhiều, nhưng anh cho biết, đó vẫn là dấu ấn không thế phai của những chuyến đi rừng.

Tuấn Anh không còn nhớ mình đã bao nhiêu lần lạc lối, không biết bao nhiêu lần bị cơn đói, cơn khát dày vò giữa rừng xanh núi thẳm. Có những lần đi bộ leo núi suốt mấy ngày trời đôi chân muốn rụng ra, cổ họng như có hòn than âm ỉ cháy, và chiếc dạ dày tưởng như muốn xé ra vì đói... Nhưng tất cả sự dằn vặt về thể xác sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh gặp một loài lan lạ nào đó ẩn mình dưới những tán cây rừng.

Lục lọi trong trí nhớ một lúc, anh mới kể câu chuyện về một lần lạc lối giữa rừng sâu. Khi nhận ra mình bị lạc, đồng hồ đã chỉ đúng 1 giờ 30 sáng. "Đó là một lần mình đi rừng cùng một chuyên gia lan người Đức. Đi mãi, đi mãi, hai người vẫn chưa tìm được thấy giò lan nào đẹp. Nhưng khu vực mình đi hôm ấy có điều kiện thổ nhưỡng rất lạ, đó là điều khiến mình và anh bạn chuyên gia tin rằng sẽ tìm được một loài lan mới. Cả hai cứ đi, đi mãi, cho đến khi trời tối dần. Trời tối đồng nghĩa với không thể xác định được lối đi. Tìm đường ra cũng quá muộn. Lúc nhìn đồng hồ, quả thật mình lạnh cả sống lưng. Mình phải qua đêm trong rừng, mà không chuẩn bị trước được gì".

Một chuyến đi khác mà mỗi lần nhớ lại, da Tuấn Anh lại sởn lên. Đó là khi đang cheo leo trên một vách núi, bỗng "rầm" một tiếng, Tuấn Anh nhìn lên thì thấy một tảng đá to cỡ cái bàn uống nước lao thẳng đến chỗ người bạn đồng hành cũng đang lơ lửng trên vách núi. Tuấn Anh nhắm mắt lại. Nhưng chợt một tiếng "rầm" nữa vang lên, tảng đá va phải một mô đá nhô ra nên đổi hướng một chút rồi lao thẳng xuống vực. Cả hai tê cứng người, không nói được một câu: Tử thần vừa sượt qua vai áo người đồng hành của anh chỉ cách vài xăngtinmét.

Tuấn Anh giờ là chủ nhân không chỉ của một, mà là một hệ thống vườn lan, chắc chắn là lớn nhất Hà thành, nhưng cái niềm đam mê đi rừng tìm lan vẫn chưa bao giờ tắt trong con người anh. Thi thoảng, ông chủ ấy lại một mình, một đôi giày vải, một ít thuốc chống vắt, ít lương thực, cưỡi một chiếc xe máy, và đương nhiên, sau lưng là một cuộn dây thừng, để đến với bất kỳ vùng rừng núi nào. Với cuộn dây thừng, con người gầy gò mảnh khảnh ấy biến thành một chàng... Tarzan, nếu anh phát hiện ra một giò lan "đậu" trên một cây gỗ nào đó.

"Những chuyến đi hiểm nguy ấy, có đem lại cho anh nhiều thành công?", tôi hỏi. "Thất bại như thế cũng là chuyện thường ngày. Nếu chuyến đi nào cũng thành công, có lẽ lan cũng không quý như thế nữa", Tuấn Anh nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, có phần rụt rè.

Câu chuyện giữa tôi và người đàn ông mê lan diễn ra dưới một cái "vườn treo Babylon" dày đặc những chậu lan. Một không khí mát lạnh và ẩm ướt dễ làm người ta tưởng mình đang đi gần một thác nước, hoặc lạc dưới những tán rừng rậm nhiệt đới. Dưới những giò lan, là rất nhiều những chiếc súng kíp, súng hỏa mai, những cây ná, cả bộ sừng trâu..., những vật dụng nói hộ cái sự từng trải ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của chủ nhân. Thật khó có thể tưởng tượng, cách khu "cao - xà - lá" (Thanh Xuân - Hà Nội) đầy khói và bụi không xa, giữa một Hà Nội ồn ào lại có một khu "vườn treo" lan rừng, với hàng ngàn, hàng vạn giò lan. Một không gian tĩnh lặng và một người đàn ông trầm lặng.

Tuấn Anh trót "mắc nghiện" lan rừng hai mươi năm trước, anh gặp một giò kiếm lan khi đi đến công trường của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch. Giò kiếm lan giúp anh phát hiện ra cái đẹp thanh tao mà kỳ bí của hoa lan. Cuộc đời thêm một lần đẩy Tuấn Anh gần với lan hơn khi anh gia nhập quân ngũ đóng quân ở vùng núi phía Bắc. Sau mỗi buổi luyện tập, chàng lính trẻ ấy lại vào rừng, gặp một giò lan đẹp, anh quăng dây trèo lên chỉ để ngắm lan, ngắm đến hàng giờ không biết chán.

"Có lẽ không có những ngày đi bộ đội hồi sau chiến tranh biên giới phía Bắc, mình đã chết trong rừng từ lâu rồi. Những ngày trong quân ngũ, muỗi đốt, vắt rừng, rồi sốt rét đã đào luyện để mình có đủ dẻo dai để chinh phục lan rừng", Tuấn Anh tâm sự.

Tuấn Anh vẫn chưa tìm ra lời giải thích tại sao mình lại gắn bó mãnh liệt với lan đến thế, anh thường bảo, cuộc đời có những điều không thể giải thích, không ai có thể giải thích tại sao người ta yêu, không ai có thể lý giải tình yêu là gì. Niềm đam mê dành cho lan trong anh cũng thế.

Đời trả nghĩa

Có lẽ hiện giờ Tuấn Anh là người giữ kỉ lục về bộ sưu tập lan ở Việt Nam, với hơn 300 loài lan khác nhau, từ những loài ở vùng rừng núi Tây Bắc, cho tới nhiều loài đặc chủng ở miền Trung, phía giáp biên giới Việt - Lào.

Chưa hiểu lan thì trồng dễ thất bại. Có khi phải trả "học phí" rất cao, vì những giò lan quý giá hàng chục triệu đồng. Mình cũng thuộc dạng chịu khó... "đóng học phí", Tuấn Anh tâm sự pha chút dí dỏm, cái dí dỏm hiếm thấy ở người đàn ông này.

Lan vốn là những nàng công chúa "đỏng đảnh", trong đó có rất nhiều loài mà ngay cả những "cao thủ" trong giới chơi lan cũng thất bại khi đưa về "định cư" tại Hà Nội. Bởi thế, mỗi chuyến đi rừng, xác định vị trí của lan, anh quăng dây trèo lên tận nơi lan ở, đo nhiệt độ, độ ẩm, đo ánh nắng, độ pH... như một nhà khoa học thực thụ.

Hơn 300 loài lan rừng đã được Tuấn Anh "định cư" ở đất Hà Nội là kết quả của những chuyến đi như thế, của những lần "đóng học phí" khi hàng trăm giò lan đột nhiên úa lá, thối rễ, và chia tay người chủ không một lời tạm biệt...

Có lẽ luật nhân - quả luôn bao trùm cái qui luật của cuộc đời này. Những chuyến đi "kinh hoàng" của Tuấn Anh được cuộc đời "trả nghĩa" bằng một phát hiện từng gây chấn động giới chơi lan. Trong một chuyến thám hiểm lan rừng ở Sơn La, Tuấn Anh tình cờ thấy trong một đống phong lan bán ven đường có một loài lan lạ. Kinh nghiệm mấy chục năm đi rừng mách bảo đã đến lúc anh có thể ghi tên mình vào lịch sử của nghề chơi lan: Tuấn Anh lập tức đưa loài lan lạ đó về, so sánh, đối chiếu rồi công bố cho thế giới biết về loài lan mình mới phát hiện. Ngay lập tức, giới chơi lan trên toàn cầu thừa nhận loài lan mới, và tên anh đã trở thành tên loài lan đó: Dendrobium tuananhii. Giờ đây, nếu vào trang www.google.com đánh chữ "Dendrobium tuananhii", ta sẽ thấy tên "tuananh" xuất hiện trong nhiều trang web khác nhau về hoa lan.

Dành cả cuộc đời cho lan, người đàn ông có vóc dáng mảnh khảnh ấy luôn mong muốn cháy bỏng, đó là một ngày, anh tạo được một khu bảo tồn lan của Việt Nam. Vì theo anh, lan Việt Nam thuộc hàng phong phú nhất thế giới, với khoảng hơn 800 loài, và cũng vì nhiều người vì cái lợi trước mắt, ồ ạt đưa những giống lan quý ra nước ngoài khiến nguồn gen lan quý báu của Việt Nam có nguy cơ cạn kiệt.

Trong khu vườn hàng ngàn mét vuông, có một khu vực nhỏ gồm những cây có treo biển "cây không bán". Tò mò, tôi hỏi anh về những cây lan đó.

Tuấn Anh hạ xuống cho tôi xem một cây lan nhỏ xíu, chỉ cao chừng 6-7 cm với vài chiếc lá nhỏ nhưng khá cứng cỏi. Tuấn Anh bảo: "Có lẽ trên thế giới không có quá 4-5 cây như thế này. Đây là loại cây đột biến, chẳng hạn bình thường giống ấy cho hoa màu đỏ, thì cây đột biến cho hoa màu trắng. Các nhà sưu tập trên thế giới đặc biệt săn lùng những cây biến dị, nó thường "độc bản", cực hiếm cây biến dị giống nhau, và cũng cực khó nhân giống".

"Vậy giá trị của nó?". Tuấn Anh tủm tỉm cười, nụ cười của một người đàn ông vốn ưa trầm lặng: "Có lẽ không dưới vài chục triệu".

Để mọi người hiểu, yêu lan, và cùng chia sẻ, để rồi trong những không gian chật hẹp của Hà Nội, trên những toà nhà cao tầng đu đưa những giò lan, đó là một ước mơ khác của Trần Tuấn Anh. Rời khu vườn treo yên ả, tôi lại trở về với Hà Nội với khói và bụi. Thêm một lần tôi thấy Tuấn Anh có lý, những giò lan sẽ làm tâm hồn con người thanh sạch hơn, sẽ làm dịu bớt cái không gian vốn quá chật hẹp và ồn ã này.(ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác