Măng chua ớt cay, cà đắng ăn sống

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 2504
  • Tổng lượt truy cập 10,245,170

Fanpage facebook

Ngày đăng: 19/02/2013, 09:30 pm

Quà của núi rừng...

Trang viết nhỏ này chỉ mong được thể hiện một chút cảm nhận về những món ăn giản dị, mộc mạc, âm thầm từ rừng. Đó thực sự là những“miếng ngon nhớ lâu” và đã thấm sâu vào tâm thức văn hoá của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên...


Không gian văn hoá cộng đồng trầm hùng tiếng cồng chiêng

Từ thông tin về cây cà đắng (blơn prièn) trong một tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh, chúng tôi đi tìm sự liên hệ giữa loại cà này với tên gọi của thác Prenn – một ngọn thác hùng vĩ nằm ngay cửa ngõ thành phố Đà Lạt. Không biết bao nhiêu lần xuôi thác tìm đến buôn Tơrđing, K’long nhưng không ai biết về huyền tích của cái tên dòng thác thơ mộng này. Chúng tôi đành rời núi Voi để ngược về với những buôn làng triền núi Langbian-Biđoup. Đây là khu vực quần cư của đồng bào Cil và Làc. Vẫn nghe đứt nối đâu đó tiếng lóc cóc của vó ngựa xuôi về Dan Kia – Suối Vàng, về Pàngtiang, Dà Ngệt mỗi chiều sa, sương giăng mờ lối.

Một hôm, cùng thầy giáo Ha Lếch lang thang trong những cánh rừng thông tít tắp, tĩnh lặng và tuyệt đẹp của miệt Dà Sar, Dà Cas, bất ngờ gặp cụ Ha Đời. Cụ nói rằng, người dân bản địa đã lấy tên của loại cà đắng đó để đặt cho dòng thác với mong muốn con cháu không quên món quà của thần linh, của núi rừng ban tặng. Mấy năm nay, rong ruổi trên khắp dải cao nguyên Di Linh và Langbian, chúng tôi vẫn mang theo hai tiếng blơn prièn và những nỗi ám ảnh…

Tháng mười năm trước, trên đường điền dã ở vùng đồng bào Churu phía nam sông Dà Nhim, đến cầu Ông Thiều chúng tôi đành quay lại vì chiếc cầu đã mất hút, cả dòng sông cuồn cuộn nước chảy. Đành ngược dòng sông lên xứ Diom – một plei thuần tộc Churu. Thấp thoáng đây đó là những ngôi nhà tranh vách đất, dấu tích của vùng nông nghiệp lúa nước. Khi lang thang trước ngôi nhà cụ bà Ma Hơng mẹ của Y Soai, chúng tôi phát hiện ra một chi tiết nhỏ nhưng thú vị: Trong một mảnh vườn rộng trước nhà trồng đậu đã lên vài cặp lá vẫn còn một khoảnh đất nhỏ mọc đầy rau dền dại. Hỏi ra mới biết, người Churu giữ lại để lấy rau ăn vì rau dền vừa ngon vừa sạch. Việc cũng thường thôi, nhưng dường như vẫn có cái gì đó vương vấn, bảng lảng đằng sau cách ứng xử đối với mảnh rau dền. Phải chăng, đây lại là một sự gặp gỡ trong thái độ trân trọng một cách giản dị báu vật của trời đất ban cho? Bất giác nhớ lại câu chuyện món quà của thần linh với cụ Ha Đời dịp trước. Rau dền cũng chỉ là một thứ cỏ dại nhưng có lẽ từ xa xưa “tổ tiên” của nó đã thuỷ chung cả khi đói, khi no, khi mưa gió thất thường với đồng bào Churu.  Cụ Ma Hông đã ở tuổi bảy lăm, thanh âm tiếng hát không còn tròn trịa và luyến láy như xưa nhưng vẫn âm vang và thấm đẫm trong lòng con cháu và cả plei Diom này nữa. Chia tay ra về, chúng tôi mang theo lời ca hơri của cụ: “Đói thì ăn rau, ăn cháo đừng ăn cắp, Ya Ngoan của mẹ ơi! Nếu con muốn qua một con suối thì phải bắc cầu, muốn leo nhà cao thì phải bắc thang, con muốn giàu có thì phải siêng năng cần cù lao động…”

Một ngày mùa thu, trời mưa như trút nước. Chúng tôi lại về với các buôn làng ở dọc triền núi Brah Yàng và trải ra theo dòng Dà Rơyàm của huyện Di Linh. Đồng bào Kơ Ho nghĩ rằng, núi Brah Yàng là núi thiêng, chính là nơi ngự vì của Nhiên thần, Phúc thần. Đó là những vị thần luôn có mặt với buôn làng và giúp buôn làng mạnh cái tay, khoẻ cái chân, trồng lúa đủ ăn, không làm cho con người phải đói khổ mãi.

Từ ngàn xưa, dãy núi uy nghi hùng vĩ này vẫn tĩnh tại trên miền đất thiêng và nhẫn nại chắt ra từng giọt nước cho cây cối tốt tươi, cho những cánh đồng thêm thơm hạt gạo, cho tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang trong những dịp cúng Yàng khẩn cầu niềm vui mới. Chúng tôi đến Krọt để tìm hương vị của mật ong rừng, đến Tô Klăn, Bột Be để tìm lại dấu tích của thung lũng trăn và đồi dê tế thần thuở trước. Câu chuyện giao tình giữa chủ và khách như càng sâu đậm khi chai rượu đế vơi dần bên món cà đắng nấu với cá khô và măng chua nấu với cá trê. Chúng tôi đi nhiều nhưng thú thực đây là lần đầu tiên được thưởng thức hai món ăn đặc biệt này. Cả màu sắc và mùi vị của chúng đều quyến rũ một cách kỳ lạ. Thấy chúng tôi ăn nhiều, ăn ngon, bà Ka Brệuh và ông K’Brít rất vui. Bà chủ nhà cho biết, đây là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, thậm chí được bà con trồng trong vườn nhà và ra quả quanh năm.

Thông thường, cà đắng được nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô với cà thường, cà chua và gia vị ớt để nhậu hoặc ăn cơm. Ông K’Brít vừa khoát tay vừa cười một cách thoải mái: “Đối với dân sành nhậu, chỉ cần một nắm cà đắng, một ít mắm ớt là trở nên xôm trò bởi loại cà này có thể ăn sống, có thể nhấm nháp đưa cay”. Tôi nhón một quả cà tươi bỏ vào miệng đánh tróc một cái, vị đắng tứa vào chân răng nhưng chỉ vài giây sau, vị ngòn ngọt đã ứa đầy trong khoang miệng. Bà Ka Brệuh nói rằng, cách làm măng chua là lấy măng tươi giã giập với ớt rồi đem ủ trong choé, măng tự lên men chua chừng hai tuần thì có thể dùng được. Miếng măng không nát mà giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt.

Đó là hương vị của rừng, là cái chất để tạo nên chính khí của đất trời và cốt cách con người Tây Nguyên. K’Ninh – em trai K’Brít – một người đàn ông vạm vỡ, râu ria, vui tính và khá hiểu biết. Anh ngồi trên sàn kể về các miếng ngon của rừng, nào biăp pờrùng (rau nse nướng trong ống tre), nào kơnàp (con mối cánh), gòl (đọt mây), kasràt (cá muối chua) mà như đưa chúng tôi tới một cánh rừng già mọc đầy biăp nse và vô vàn con kơnàp….

Đêm hôm ấy, cái đêm Đinh Trang Hoà mưa rơi, chúng tôi như đã thật sự được trở về cái thuở khỉ đánh đu trêu người, voi đi lững thững bình yên, hổ báo lang thang bìa rừng.  Đêm về khuya, cả không gian vắng lặng, có thể nghe dòng Dà Rơyàm chảy miên man từ phía dãy Brah Yàng. Bên kia đường, phía buôn Dòng Dòr thoang thoảng cất lên một giọng hát tha thiết: “Kút kút ku, kút ku hỡi chàng nỡ đành quên vội, lời thề xưa ước nguyện tình ta lâu bền. K’Dung hỡi chàng đành quên sao phút êm đềm với trăng ngàn...”

Mãi vẫn thèm một không gian văn hoá cộng đồng trầm hùng tiếng cồng chiêng, sóng sánh màu mật ong của những ché rượu cần, thẳm sâu lời răn dạy của những bài ca nri-nring, tha thiết, lãng mạn từ lời hát pơnđik-pơnđing và jơnau đơs crih. Thèm được trở về với buôn làng, với những con người sạm màu sương nắng nhưng thật bụng và được ăn những miếng ngon sinh ra từ đất, âm thầm hấp thụ tinh hoa từ đất, từ nước, từ khí trời và hoa lá cỏ cây của núi rừng Tây Nguyên khoáng đạt.

Ghi chép điền dã:  UÔNG THÁI BIỂU và ĐẶNG TRỌNG HỘ, ảnh: THANH TÙNG
Sài Gòn Tiếp Thị

Lời bình: Hai món...Măng chua ớt cay và cà đắng ăn sống này cực hợp với vườn Troh Bư nhà mình này vì có sẵn. Lâu nay mình ít làm món cà đắng giã ăn sống vì ...không có cà đắng chuẩn, chưa bị lai tạp và hay ngâm măng với mắm ớt hơn. Mùa mưa tới khi măng có nhiều mình nhất định sẽ cho muối chua để dành làm món đặc sản cho vườn Troh Bư nhà mình. Hihi!

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác