Ly kỳ chuyện hoa Mai thần “đệ nhất phương Nam“

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 1361
  • Tổng lượt truy cập 10,247,309

Fanpage facebook

Ngày đăng: 18/02/2013, 10:07 pm

Ly kỳ chuyện hoa Mai thần “đệ nhất phương Nam“

Cập nhật 11/02/2013 08:35 (GMT+7)
.

Hàng trăm năm tuổi thọ, lớn đến mức mọc thành bụi hàng chục thân lớn nhỏ, tán lá xòe hơn 300m2, cây mai mọc trước ngôi đình Phú Tự (xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre) là một trong những cây mai “đắc thọ” nhất phương Nam, được mệnh danh là "Cổ thụ mai", "Thần mai", "Danh mộc Bạch mai".

Cây mai khổng lồ
Cây mai khổng lồ

Cây mai khổng lồ

Cây mọc thành bụi dày với hơn 50 thân lớn nhỏ, trong đó có khoảng 15 thân lớn, đường kính trên 20cm, thân lớn nhất cao khoảng 7m. Những gốc mai này có dáng hình rất lạ, thân không thẳng đứng như những cây khác mà nằm ngang trên mặt đất, uốn éo trông giống hình những con rồng với những phiến lá dày, to, màu xanh đậm khác thường.

Bất chấp họ hàng nhà mai thưởng nở rộ hoa vào đầu xuân, những ngày cuối tháng Chạp, lác đác trên cành đã có những bông mai đầu tiên hé nở. Hoa có bốn cánh, màu trắng, nhị vàng, lớn bằng chiếc cúc áo. Đặc biệt, những cánh hoa này có một mùi hương rất đặc trưng, tựa như mùi hoa nhài nhưng dịu và ngọt hơn. Người địa phương cho biết ngoài cái tên Bạch Mai, cây còn có tên khác là Nam Mai hay Mai Khê.

Những cao niên trong làng kể lại, khi những người Việt đầu tiên đến mở đất lập làng ở đây vào khoảng giữa thế kỷ 18, đã thấy trên gò đất cao có một cây hình dáng kỳ lạ, lá quanh năm xanh tốt, nở hoa trắng muốt hương thơm thanh cao. Cho rằng đây chính là nơi "địa linh", cổ nhân đã chọn nơi đây để dựng một ngôi đình. Xã Phú Hưng đã vốn là một vùng đất cao, đình Phú Tự lại được xây dựng trên một gò đất cao nhất.

Ông Tống Văn Minh (55 tuổi), người trông coi ngôi đình cho biết cây mai này hoa nở có thể kéo dài đến hết tháng Hai âm lịch. Vào kỳ hoa nở rộ, cả cây như trắng muốt, ong kéo đến hút mật bay u u dày đặc. Hoa lại chỉ nở về đêm. Mỗi đêm mùi hương thanh khiết bay xa cả một vùng. Những ngày ấy, người coi đình sẽ trải đệm xuống gốc để hứng hoa. Như một chiếc đồng hồ sinh học tuyệt đối chính xác, hoa sẽ hé nụ từ 6h tối, đến 4h sáng là rụng.

Chưa hết, khi rụng, hoa còn nguyên bông chứ không tả tơi thành từng cánh các loại hoa mai thường thấy. Mỗi buổi sáng sớm, người coi đình lại trút những đóa hoa còn đẫm sương, phơi khô hai nắng bông hoa sẽ khô lại mà vẫn giữ được nguyên bông như lúc ban đầu, trinh nguyên mùi thơm. Một lưu ý là chỉ sấy hoa dưới năng mặt trời. Nếu sấy bằng bất kỳ nguồn nhiệt nào khác thì hoa sẽ mất mùi thơm.

Cận cảnh một bông mai
Cận cảnh một bông mai

Ròng rã hứng hoa, phơi khô khoảng hơn một tháng suốt mùa hoa nở, người địa phương để dành cho dịp lễ Kỳ Yên (ngày 16/3 âm lịch) là lễ lớn nhất trong năm. Vào ngày này, người ta bỏ những bông hoa quý vào túi nhỏ, thả vô một mảnh giấy đỏ (giấy hồng đào) tặng cho khách thập phương đến đình dự lễ lấy hên. Người được tặng mang hoa này nên mang pha trà đãi khách. Một ấm trà chỉ cần thả 2 - 3 bông hoa, bình trà sẽ có hương thơm thanh khiết, vị ngọt dịu mà ai đã được thưởng thức một lần đều không thể nào quên.

Đã khí lại càng hiếm khi cây mai này rất khó nhân giống. Vì cây nở ra bông là rụng, không khi nào có trái nên đương nhiên cũng không có hạt. Chỉ có một cách “sinh sản” duy nhất là các cây con mọc ra từ rễ cây mẹ bò dưới lòng đất. Người ta tính toán rằng phải mất khoảng 10 năm, một cây con mới cao được 2m. Mấy trăm năm nay người dân địa phương, khách thập phương ngưỡng mộ cây hoa quý nên đã nhiều người xin tới đình chiết một nhánh mang về. Vậy nhưng bao nhiêu nhánh cây được mang đi mà ít có nhánh nào sống được, cứ mang ra khỏi khu đất đình là cây héo hon chết mòn, không cách gì cứu vãn. Ông Minh nhẩm tính: “Loài này cả tỉnh Bến Tre chỉ có một cây. Cả miền Nam chắc có vài cây, trong đó có một cây trong một ngôi chùa ở Sài Gòn”.

“Thần hộ mệnh” đặc biệt

Người dân xã Phú Hưng cho rằng cây Bạch Mai này chính là “thần hộ mệnh” bảo vệ ngôi đình, bảo vệ dân làng bình yên qua hai cuộc chiến tranh. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là chiến trường khốc liệt, nhiều ngôi đình trong vùng đã bị hư hại, bị phá hủy, riêng ngôi đình Phú Tự và cây mai không dính một vết đạn, không bị một mảnh bom xâm hại.

Ngay câu chuyện của người coi đình liên quan đến cây mai cũng là một câu chuyện người địa phương cho là lạ lùng. Vài năm trước đây ông Minh bị tai biến nặng, nằm viện Bến Tre hàng tháng, rồi lên bệnh viện Chợ Rẫy (Tp Hồ Chí Minh) nhưng chỉ cứu chữa được tính mạng. Khi mới về, ông đi lại rất khó khăn, tay chân gần như bị liệt, hầu như không nói. Không biết làm gì để sinh sống, ông xin ra trông đình, hằng ngày sáng sáng quét dọn đình, chiều đi thắp nhang, sống bằng huê lợi trên hoa trái.

Sau gần hai năm làm “đệ tử” cây mai, ông đã đi lại được, tuy tay còn yếu nhưng đã có thể làm những việc vặt, từ chỗ chỉ ú ớ nay đã có thể nói chậm. Người trông đình này tâm sự: "Tôi sống được, lại đi lại được, nói được, quả thật không ngờ". Người làng cho rằng cây “mai thần” cùng khu đất “địa linh” đã mang lại sức sống cho con người vốn bệnh tật ấy.

Người đàn ông thoát chết nhờ làm “đệ tử” cây mai?
Người đàn ông thoát chết nhờ làm “đệ tử” cây mai?

Cây mai như một “người thân”, ngôi đình như một niềm tự hào, thế nên người địa phương ai cũng thuộc làu câu chuyện về di tích nêu trên. Dẫn khách đi thăm quan, chàng trai 18 tuổi Đoàn Vĩnh An tâm sự: "Từ nhỏ lớn lên đã được nghe ông, rồi đến cha truyền lại nên mỗi viên gạch, mỗi nhành cây tôi đều nhớ rõ". Chàng trai giới thiệu đình Phú Tự thờ Thành hoàng bổn cảnh được sắc phong vào cuối thế kỷ 19. Chưa có tài liệu nào xác định chính xác thời gian xây dựng ngôi đền, chỉ biết năm 1904, một người dân giàu có ở địa phương đã công đức tiền của để mở rộng đình. Ban đầu đình quay về hướng Đông, sau đợt tu sửa ầy thì quay về hướng Đông Nam.

Tổng diện tích đất đình là gần 10 ngàn m2, xây dựng theo kiểu kiến trúc đình đặc trưng Nam Bộ, gồm 3 nếp nhà, mỗi nếp hình tứ trụ (tức nhà vuông có 4 cột cái). Ba nếp được xây cùng kiểu, cùng kích cỡ, được bố trí theo lối kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” (nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau). Mái đình lợp ngói âm dương; cột, kèo làm bằng gỗ căm xe và gỗ đỏ; nền cao 0,5m, lót gạch tàu. Gian trước dành làm nơi xây chầu và hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ yên; gian giữa đặt bàn thờ 18 đời vua Hùng, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; gian cuối còn gọi là Chính tẩm, gồm hoành phi, câu đối, bàn thờ và các mảng phù điêu... được chạm khắc, sơn son thiếp vàng rất tinh tế, sang trọng, là nơi thờ Thành Hoàng làng.

Ngoài ra, ở hiên phụ có thờ thêm Tả ban, Hữu ban... Nhà hậu để hương chức, ban tế tự hội họp; làm chỗ dân làng quy tụ chuẩn bị lễ cúng tế. Bên ngoài là nhà nhà bếp và nhà ở của ông từ giữ đình. Ở sân đình, ngoài bàn thờ Thần Nông (còn gọi là Đàn xã tắc) và bàn thờ Sơn Quân (ông Hổ) còn có Đài liệt sĩ tưởng nhớ những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, ngoài các dịp lễ Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền, Chạp miếu, đình còn là địa điểm được tỉnh Bến Tre chọn làm nơi tổ chức Tết Nguyên Tiêu, giỗ tổ Hùng Vương, là nơi sinh hoạt văn hóa của hội thơ văn trong và ngoài tỉnh.

Chiều cuối năm nắng chợt vàng hươm, trong không khí nhà nhà rộn ràng đón Tết, sắc Xuân như sáng bừng bởi những lấm tấm nụ hoa đang chờ thời khắc giao mùa.

Hoàng Giang - Quốc Khánh

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác