Lạc vào cổ tích Trohbư

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 14066
  • Tổng lượt truy cập 10,286,674

Fanpage facebook

Ngày đăng: 12/12/2013, 09:26 pm

Lạc vào cổ tích Trohbư

17/01/2013

Sinh viên TP. Hồ Chí Minh trước dàn đàn đá tại Vườn Trohbư.

Bản Đôn nằm bên rừng Quốc gia Yok Đôn, nơi nổi tiếng với nghề săn bắt thuần dưỡng voi. Vùng đất sầm uất ngày nào là điểm giao thương thu hút cư dân từ các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào-theo dòng Sê-rê-pôk đến đây sinh sống. Bản Đôn, tiếng Lào là Làng Đảo, bởi ngày ấy làng ốc đảo này phần lớn tập trung cư dân người Lào sinh sống.

 

Dấu tích một thời hưng thịnh về phát triển kinh tế và giao thoa văn hoá xưa giờ lại trở thành điểm đến thăm quan của du khách gần xa. Du khách đến bản Đôn sẽ được đi cầu treo ngắm bảy nhánh thuộc con sông Sê-rê-pôk như những ngón tay ôm lấy làng đảo, được cưỡi voi, thăm mộ vua săn voi. Đặc biệt, có ngôi nhà sàn trên trăm năm của vua săn voi Khun Ju nốp. Theo Gia phả ghi lại, ngôi nhà được thiết kế từ mái lợp đến chân cột hoàn toàn bằng gỗ, khánh thành vào tháng 2/1885. Để hoàn thành được ngôi nhà sàn, vua săn voi Khun Ju nốp đã phải huy động 18 con voi vận chuyển gỗ, 14 thợ lành nghề được mời từ Lào sang thi công trong vòng hơn một năm. Riêng mái lợp phải đẽo từ 8.726 thanh gỗ làm ngói, tốn trên 7 mét khối gỗ. Trị giá ngôi nhà đổi được 12 con voi ngà dài, mỗi voi quy đổi khoảng 70-80 triệu đồng. 

Bản Đôn mở rộng thành huyện Buôn Đôn, tiếng Ê-đê vẫn là Làng Đảo, một vùng đất kỳ bí nhuốm chất huyền thoại nên mỗi khoảnh rừng, con suối, mỏm đồi đều phảng phất những câu chuyện cổ tích. Dựa trên những giá trị văn hoá truyền thống, sự năng động trong khai thác du lịch đã đưa địa danh Bản Đôn thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Vườn sinh thái Trohbư là một trong những điểm nằm trong hệ thống du lịch Buôn Đôn. 

Trohbư, tiếng Ê-đê nghĩa là Lũng suối cá lóc. Truyền rằng, xưa kia không hiểu sao, Yàng phạt con người mấy mùa rẫy liền không có được hạt mưa để gieo tỉa, đất đai khô cằn, nứt nẻ. Dân làng phải vào rừng đào củ, hái lượm sinh sống. Củ rừng rồi cũng hết, cây cối khô héo, chim chóc rủ nhau bay đi. Tù trưởng quyết định kéo dân đi tìm vùng đất mới. Đi, đi mãi, khắp nơi vẫn một màu vàng úa. Dân làng vừa mệt vừa đói, lả đi. Khi tỉnh dậy, mọi người thấy trước mắt có một khu rừng cây cối xanh tươi, như có sức mạnh kéo mọi người đến. Nơi đó là một khu đất màu mỡ, đầu nguồn con suối nước trong veo, khắp nơi có những vũng chứa nước, khiến mọi người sung sướng vội toả đi tìm củ rừng, bắt cá suối “chống đói”. Mọi người ngửa đầu tạ ơn Yàng, cá bắt ăn mãi không hết. Tù trưởng quyết định lập buôn mới tại nơi đất tốt này gọi là buôn Niêng, dòng suối đem lại nguồn nước sống cho mọi người gọi là Ea Nuôl và những lũng cá lóc ăn không bao giờ cạn gọi là Trohbư.

Dựa trên cơ sở thiên nhiên ban tặng, những người yêu mến vùng đất đang gắng sức bảo vệ, xây dựng nó thành Vườn sinh thái Trohbư. Có thể nói Vườn Trohbư là một bộ sưu tập về các loại cây gỗ quý hiếm, hàng trăm loại phong lan rừng, dọc bờ con suối Ea Nuôl và quanh hồ sen, lũng cá là bạt ngàn hoa mai. Ẩn hiện trong vườn là những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê được dựng xen với những ngôi nhà xây theo kiến trúc cổ của Pháp. Những vật dụng đánh bắt cá, thuyền gỗ, đàn đá…, khu chăn nuôi heo rừng, gà rừng… Tất cả như tạo nguồn cảm hứng lòng hiếu kỳ của những con người thích tìm hiểu, trở về với cội nguồn.

Vườn sinh thái Trohbư sẽ là nơi để mọi người tìm được sự thanh thản sau mỗi lo toan bận rộn với cuộc sống thường ngày.

Bài và ảnh: Nguyễn Liên


Read more:http://www.cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=117455904#ixzz2nGs0wZZn

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác