Du lịch hồ Lắk cùng với người ban mê

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 3438
  • Tổng lượt truy cập 10,149,142

Fanpage facebook

Ngày đăng: 16/01/2013, 02:33 pm
Du lịch hồ Lắk cùng với người ban mê

23:01 15 thg 8 2009

Hè đến rồi, về Hồ Lắk tránh nóng đi bạn ơi!

Mùa hè là mùa của du lịch, xuống biển hay lên rừng vào mùa này thì nơi nào cũng tuyệt. Thôi thì chọn Tây nguyên ủng hộ người Ban mê đi các bạn, lên đây để tránh cái nóng oi bức của mùa hè. Nếu chưa có điều kiện đi thì hôm nay, trước khi ngồi vào máy online hãy bật quạt hay máy lạnh lên bạn nhé, xin mời cả nhà mình du lịch Tây nguyên qua ảnh cùng với người Ban mê.

Điểm đến ở Tây nguyên hôm nay người Ban mê muốn giới thiệu là Hồ Lắk, một cái hồ tự nhiên to bự được xem là lớn nhất ở Đắk Lắk, ở Tây nguyên và nhất cả ở Việt Nam. Đây là một cái hồ treo trên núi với độ cao hơn 400m so với mực nước biển. Với diện tích mặt nước chừng khoảng hơn 500ha vào thời điểm bình thường thì hồ Lắk đã lớn gấp đôi nếu đem so sánh với Biển hồ T'nưng ở Gia Lai. Hồ nằm ở ngay bên thị trấn Liên Sơn - Huyện Lăk, cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng  55 cây số theo hướng quốc lộ 27 nối liền Buôn Ma Thuột với thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Đường đến hồ Lắk như thế là khá dễ đi, nhất là nó lại nằm trên đường nối giữa 2 thành phố du lịch hấp dẫn nhất Tây nguyên (Tour con đường xanh tây nguyên cũng có đoạn đường này đó bạn) vì thế thật dễ khi du lịch đến nơi đây theo kiểu chính thống và bạn cũng có thể đến hồ Lăk theo kiểu du lịch bụi bằng xe máy còn không thì đơn giản là "nào ta cùng lên xe Buýt" cũng được.

Và đây là ảnh đường  đi Lắk nè các bạn, trông hấp dẫn đấy chứ với những bụi le xù hay còn gọi là le đuôi chồn, một loại trúc hoang dại ở địa phương. Trông cứ như những cái dù tự nhiên đang mời gọi mọi người ghé nghỉ chân đấy nhỉ.

Hồ Lắk hiện được quy hoạch nằm gọn trong  khu rừng đặc dụng Lịch sử - Văn hóa và Môi trường Hồ Lắk với diện tích 12.299 ha. Theo số liệu thống kê thì vùng này có đến 548 lòai thực vật và đặc biệt là 128 lòai chim thuộc 46 họ trong 15 bộ trong đó có 2 loài trong sách đỏ Việt Nam là gà lôi vằn và cú lợn lưng xám. Nghe đâu sắp tới khu rừng này sẽ được nâng cấp lên thành vườn Quốc gia nước nữa cơ.  Tuy nhiên, do áp lực của du lịch thì hiện tại tòan bộ quả đồi biệt điện và mặt nước hồ đã và đang được giao cho ngành du lịch quản lý.

Đây là ảnh toàn cảnh hồ Lắk với những bãi cỏ nổi rộng lớn là chỗ trú ẩn của các loài chim nước.

Đã từ lâu, hồ Lắk là một điểm du lịch nổi tiếng không thể không đến ở Đắk Lắk với mặt nước rộng xanh thắm ổn định quanh năm lại ít sóng do được bao bọc bởi  một vòng cung núi rừng hùng vĩ. Bên hồ còn có buôn Jun, một buôn làng tiêu biểu cho văn hóa M’ Nông với hơn 30 ngôi nhà dài truyền thống và hình ảnh đẹp của những chú voi được thả chơi rong, thơ thẩn bên bờ nước, những chiếc thuyền độc mộc được đục đẽo từ những thân cây rừng cổ thụ nguyên vẹn ...

Ảnh buôn Jun bên hồ Lắk với những chú voi và thuyền độc mộc đây nè các bạn.

Còn đây là ảnh du khách cưỡi voi du ngoạn trên hồ, một thú vui khó có thể chối từ.

Có một tin vui là Ban quản lý rừng  Hồ Lắk đã thiết lập một trung tâm nuôi dưỡng động vật hoang dã rất quy mô trên một đảo lớn phía bên kia hồ và thành công lớn nhất là  nuôi sinh sản tự nhiên được lòai cá sấu nước ngọt. Lòai cá sấu này trước đây có rất nhiều ở trong vùng hồ Lắk, giờ thì  nghe nói thi thỏang người ta  vẫn còn bắt gặp lòai này trong môi trường tự nhiên nhưng có lẽ chỉ như là huyền thọai. Vì vậy, sự cố gắng của Ban quản lý rừng nơi đây thật đáng khen ngợi và cần có thêm sự chung tay giúp đỡ của các cấp các ngành cũng như của mỗi người chúng ta...

Đây là ảnh người dân đánh bắt cá trên hồ, hồ rộng và sâu nghe nói không có đáy nên có thể đây coi như một vựa cá của cả vùng tây nguyên.

Mọi người còn biết đến Hồ Lắk nhiều hơn có lẽ vì nơi đây chính là một trong những nơi nghỉ ngơi yêu thích của Cựu hoàng Bảo Đại. Ông đã cho xây dựng ở đây một tòa Biệt điện để nghỉ chân trong những chuyến kinh lý trên vùng đất Tây nguyên hoàng triều cương thổ. Biệt điện được xây trên đỉnh một ngọn đồi cao bên bờ hồ, từ sân biệt điện có thể ngắm toàn cảnh hồ Lắk và thị trấn Liên sơn.

Còn đây lại là ảnh toàn cảnh ngọn đồi có biệt điện nhưng lại được nhìn từ dưới hồ lên.

Chính tòa biệt điện với quá khứ lịch sử là một nét điểm tô không thể thiếu cho hồ Lắk. Thật buồn và khó có thể hình dung một hồ Lắk mà lại không có tòa Biệt điện này.

Biệt điện được xây khoảng 1951 cùng thời với chùa Khải Đoan ở thành phố Buôn Ma Thuột và cũng do đích thân Hoàng hậu Nam Phương chịu trách nhiệm đứng ra cho thi công và trả tiền. Nghe nói vì mãi lo làm bên này cho ông chồng ham chơi nên lúc đó bà bị Hoàng thái hậu Đoan Hy la rầy dữ lắm.

Tòa nhà này sau  giải phóng đã bị bỏ hoang phế trong cả một quãng thời gian dài, dân trong vùng lên phá tường tìm vàng nên nhiều chỗ chỉ còn bộ khung bê tông. Cách đây vài năm người ta mới cho trùng tu lại nhưng lại làm khác đi nhiều, có lẽ để hợp với công năng khách sạn với nhiều phòng để kiếm tiền cho sướng chăng? Ví dụ, hồi đó cái cầu thang này ở phía trước và to bự cơ.

Nhìn tòa nhà đã được sửa sang lại đẹp đẽ hôm nay không hiểu tại sao tôi lại cứ thấy nhớ nhớ tòa Biệt điện hoang phế ngày xưa, phải chăng vì những nét sửa sang giả tạo, cẩu thả đã không trả lại được cho nó cái vị trí xứng tầm mà nó đáng được có?

Ảnh tòa Biệt điện đã được sửa sang ,làm mới, có cả những hình ảnh và hiện vật về một Biệt điện ngày xưa với vua, hoàng hậu.. .

Đường lên biệt điện giờ đã được làm lại to đẹp hơn nhưng thực ra ngay từ xửa từ xưa nó đã là đường nhựa rồi cơ đấy.

Ở sân của Biệt điện có thể nhìn thấy toàn cảnh thị trấn Liên Sơn như đã nói ở trên đây này.

Trong những lần đi Lắk, dù thời gian dài hay ngắn ngủi, chưa lần nào người Ban mê bỏ qua được thói quen cố hữu là phải lên cố lên cho được khu di tích này. Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tình sâu sắc đến thế đối với khu di tích này đến thế ngay cả những lúc nó chỉ còn là những bức tường xây hoang phế? Có lẽ bởi nó có một vị trí thật đẹp, trên đỉnh một ngọn đồi bên hồ, nơi người ta có được cái nhìn toàn cảnh trọn vẹn nhất về Hồ Lăk, viên ngọc xanh của Tây nguyên?

Cũng có thể do nó còn gắn liền với một quá khứ lịch sử của Việt nam với các ông vua, những vị hoàng tử và những nàng công chúa như trong những câu chuyện cổ tích mà thuở nhỏ người Ban mê và có thể là cả các bạn nữa vẫn hằng say mê.

 

Ở đây bây giờ đã trở thành khách sạn rồi và do công ty Du lịch Dắk Lắk quản lý và khai thác, lên đây uống cà phê, ăn sáng thì thật thú vị nhưng tối ngủ lại có lẽ hơi buồn. Nhưng không sao, vì ngoài Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, giờ bên hồ còn có cả một khu Rì sọt hoành tráng. Có một thông tin này tám với các bạn nhé, đó là lúc mới tòa nhà mới được  làm lại xong một thời gian có anh tây kia hăm hở lên chơi rồi ngủ lại trên tầng cao, tối mở nhầm cửa sổ ra mà lại tưởng cửa toa lét  rơi xuống sân chết đứ đừ. Giờ người ta phải làm lưới sắt chắn tầng 2 trông càng ít giống ngày xưa.

Con đường lên nhìn từ sân biệt điện đẹp đấy chứ nhỉ. Ảnh này mà đem làm lịch thì thật tuyệt. Cảnh đẹp thế hèn nào ông vua Bảo Đại chẳng mê và ưu ái xây thêm biệt điện ở đây để nghỉ ngơi ngoài cái biệt điện to đùng ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Còn đây là một trong những gốc cây Đại hay còn gọi là sứ cùi có từ thuở ấy, giờ đã cổ thụ già nua dữ rồi  rồi hén.

Con đường xuống cũng thật đẹp với hàng cây Đại cổ thụ già nua. Ngày xưa chắc ở đây có trồng nhiều hoa lắm nhưng giờ chỉ còn chủ yếu là hoa đại mà thôi.

Đến Hồ Lắk, ngoài thú vui cưỡi voi lội hồ, chèo thuyền độc mộc, đi ca nô ra đảo, tìm hiểu văn hóa người M'nông bản địa hay thử trải nghiệm trong vai các ông hoàng bà chúa ngày xưa, các bạn cũng đừng quên cho phép mình thưởng thức thoải mái các món ăn đặc sản ngon và rẻ  từ cá hồ Lắk mà nhất là món chả cá Thát lát danh tiếng nhé  các bạn./.

Lời bình: Hồ Lắk thật là tuyệt phải không các bạn, nếu các bạn quan tâm đến hồ Lắk, có thể tìm thêm ảnh ở đây

http://vn.blog.yahoo.com/organize/album_list.php?fid=35

Và nói thêm này, Vườn Trohbư nhà mình cũng hấp dẫn lắm đấy nhé nếu có lên Dak Lak nhớ tiện thể ghé thăm luôn nó hộ người Ban mê .

(Bài viết có sử dụng lại một số tư liệu và ảnh do chính người Ban mê đã tham gia cho Vi Wiki. Hi vọng như thế không bị coi là phạm luật?)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác