Du khách say lòng với những "homestay" miệt vườn

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 533
  • Tổng lượt truy cập 10,295,223

Fanpage facebook

Ngày đăng: 22/04/2013, 04:08 pm

Du khách say lòng với những "homestay" miệt vườn

Vietnam Plus - 20/04/2011 09:38
  • Du khach say long voi nhung 'homestay' miet vuon

Ra khỏi thị thành khói bụi và chật hẹp, đồng bằng sông Cửu Long chào đón du khách bằng sự nhiệt thành, chất phác, cởi mở không toan tính. Khí hậu quanh năm khoáng đạt, mát mẻ của vùng nhiệt đới đã góp phần tạo nên tính cách phóng khoáng, hòa nhã cho những người con miền sông nước.

Ai từng có dịp ghé thăm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… hẳn sẽ không thể quên hình ảnh những nông gia chính hiệu hăng say làm du lịch trên miệt vườn trù phú của mình. Gọi là nông dân nhưng những người này không có cái vẻ lấm lem bùn đất, bươn bải.

Những người dân miền tây này tưởng chừng như sinh ra là để hưởng thụ cuộc sống hiền hòa giữa không gian thơm hương của cây trái tốt tươi, sông nước hữu tình. Cũng vì thế, Vĩnh Long hay Cần Thơ... độc đáo hơn nhờ mô hình nông dân khai thác du lịch sinh thái miệt vườn.

Nông dân làm du lịch

Cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long) đúng như tên gọi, nằm yên bình giữa hai dòng sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc nhánh sông Mêkông. Đất cù lao dung dưỡng những nông dân hiền hòa quanh năm chỉ biết tỉ mẩn chăm sóc từng gốc cây và đợi ngày cây cho trái.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do khách thập phương có nhu cầu muốn tìm hiểu, thưởng thức trái cây tại chỗ nên nhiều hộ dân đã phát triển thêm hình thức kinh doanh miệt vườn. Đây cũng là mô hình được Ủy ban nhân tỉnh khuyến khích với tên gọi “Nông dân-nhà vườn làm du lịch.”

Mỗi hộ thường có nhiều hơn năm công đất (mỗi công 1000m2) trồng đủ các loại cây trái như mận, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, nhãn tiêu… và cây cảnh bon-sai để đón khách tới thăm bốn mùa. Những chiếc võng giăng mắc dưới tán cây xum xuê khéo léo mang đến những phút giây thư giãn sau chặng đường xa nóng nực cho du khách.

Như vườn nhà ông Tám Lộc (ấp An Thuận, xã An Bình) có năm chòi lớn, ba chòi nhỏ mới mở kinh doanh phục vụ vài năm trở lại đây. “Ban đầu, khách ghé thăm miệt vườn cù lao có yêu cầu các dịch vụ, dần dần gia đình mới đáp ứng chứ trước đó chúng tôi chỉ bán trái cây thôi.

Rồi sau vào mỗi mùa trái chín và dịp lễ, tết thấy có đông khách đến quá nên tôi với gia đình mới hùn vô phục vụ quy mô lớn hơn và có tổ chức hơn. Cũng nhờ đó mà tôi mới nuôi được hai con học Đại học trên thành phố,” ông Lộc cho hay.

Gần đó, vườn trái cây nhà ông Tám Hổ rộng cả chục công cũng có tiếng với nhiều loại trái cây mùa nào thức ấy. Đã ngoài 80 nhưng nom con người ấy vẫn đậm đặc chất “anh hai nam bộ” từ vóc dáng khỏe khoắn, làn da bánh mật rắn rỏi tới giọng nói hào sảng và bộ râu trắng dài ngang ngực. Ở tuổi xế chiều, ông Tám Hổ đắn đo mãi mới quyết “lui về hậu phương”, nhường lại khu vườn mênh mông cây trái cho các con cai quản.

Tới nay, vườn cây Tám Hổ vẫn là địa điểm quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, của các chương trình truyền hình du lịch sinh thái miệt vườn ghé thăm. Ngoài ra, những điểm vườn như Hai Hoàng, Ba Hùng, Sáu Giáo, Mười Hưởng, Mười Đầy… cũng là những chốn đến quen thuộc của du khách thập phương.

Trải nghiệm homestay miệt vườn

Homestay (du lịch nghỉ tại nhà dân) khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và mới được du khách trong nước chú ý ở Đồng bằng sông Cửu Long trong vài năm gần đây.

Tìm đến với loại hình du lịch này khách cũng không yêu cầu quá cao đối với chất lượng dịch vụ. Bởi, họ cần hơn một không gian thật gần thiên nhiên để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm những cảm xúc tự thân với cây trái đất trời, với con người vùng sông nước Cửu Long…

Vì thế, nội dung một tour homestay đậm chất “miệt vườn”. Chủ nhà sẽ hướng dẫn để khách sắm vai anh hai nam bộ với công việc nhà nông như làm vườn, bắt cá, thu hoạch trái cây… và thử khả năng ca tài tử.

Đặc biệt nhất, du khách không chỉ được sống cùng những nông dân chính hiệu mà còn được trải cảm giác thư thái, dễ chịu khi ngả lưng trên võng mắc dưới tán cây trái trĩu trịt để thưởng thức hương vị của những bông mận trắng muốt cuối mùa, của phù sa bồi đắp, của gió sông rười rượi, mơn man…

Và có lẽ, chia tay mới là cảm giác tuyệt vời nhất còn đọng lại sau cùng mỗi chuyến homestay. Thật khó cưỡng nổi quyến luyến, nán níu khi đã “trót” tao ngộ với những ông chủ cây nhà lá vườn ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre hay Cái Bè-Tiền Giang…

Song thực tế, du lịch homestay ở những nơi này còn “phát triển lẻ tẻ và theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp” như chủ vườn Tám Phụng thừa nhận.

Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (MDTA) cũng phải nhìn nhận, năm 2010 đồng bằng sông Cửu Long đã đón 16,2 triệu lượt du khách (tăng 9,94% so với năm 2009), trong đó có 1,3 triệu du khách nước ngoài, tăng 16% nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì du lịch ở khu vực này vẫn chưa xứng tầm.

Dẫu thế nào thì phần lớn du khách khi đến với miệt vườn sông nước hiện nay đều có cảm giác hài lòng bởi chính sự hồn hậu, nhiệt thành và cởi mở của những "homestay" Mười Đầy, Ba Lình, Năm Thành, Mười Hưởng, Tám Hổ…./.

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác