Chái Bếp Nhà Quê

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 555
  • Tổng lượt truy cập 10,273,162

Fanpage facebook

Ngày đăng: 30/05/2013, 10:19 am

Chái Bếp Nhà Quê

Ai nói em nghe tại sao góc bếp chái hè
Nó đơn sơ lắm mà khi rời nó
Mình mến mình thương nó vô cùng…
(Nhạc sỹ Bắc Sơn)

Cố nhạc sĩ Bắc Sơn từng có những ca khúc mang âm điệu Nam bộ và dường như ông đã nói hộ tình cảm của bao người xa quê nhớ về cố hương với những điều dung dị, mộc mạc nhất như chái bếp nhà quê. Mỗi miền cố hương riêng của chúng ta có thể khác nhau về đường nét, cảnh vật, nhưng có một thứ hoàn toàn giống nhau, đó là những mái nhà quê ngày trước luôn có một chái bếp.

Nơi đó chất chứa biết bao kỷ niệm của trẻ thơ miền quê này. Đó là, những buổi xế trưa bụng đói, nướng vài con khô sặc, bóc một cục cơm nguội để ăn lót lòng. Rồi những củ khoai lang vùi tro hay vài trái chuối Xiêm nướng vĩ cũng ấm áp lắm. Để rồi có đi đến nơi đâu, khói bếp vẫn đưa chúng ta tìm về với mái ấm gia đình thân thuộc.

Hồi trước, nông thôn miền Tây nhà cất một kiểu giống nhau, một gian nhà lớn ba căn và bên hông nó là một gian nhà nhỏ liền kề, mà người miền Tây gọi nôm na là cái chái bếp. Dân ở đây xem trọng việc xây dựng chái bếp bằng với ngôi nhà chính, theo quan niệm: nếu ngôi nhà lớn cất nhằm ngày tốt, hướng tốt… thì học hành đỗ đạt, mùa màng và công việc làm ăn… sẽ “thuận buồm xuôi gió”; còn nếu chái bếp tốt thì gia đạo sẽ thuận hoà, đầm ấm.

Chái bếp của mỗi gia đình ở quê được xây cất theo cách nghĩ sao cho tiện dụng nhất. Người ta đóng cái bếp bằng cây gỗ hình chữ nhật, trên thì để bếp lò, dưới chân thì đóng cái kệ để chất củi khô. Có người thì thích đóng kệ ngay trên bếp lò để chất cũi và lá dừa. Cách này tiện lợi là khi có mưa dầm không sợ thiếu cũi vì đã được lửa lò hong khô. Người dân quê tận dụng hơi nóng của chái bếp để bảo quản thực phẩm khô và cả những hạt giống để dành sau này trồng tỉa. Vì vậy mà trong chái bếp thường có những cái xề treo lủng lẳng và có cả những trái bắp, mướp, trái bầu khô. Đến mùa gieo hạt, người ta chỉ cần lấy xuống ngâm vào nước là chúng nảy mầm rất khỏe. Đây cũng là một sự đúc kết kinh nghiệm qua nhiều thế hệ mới có được.

Có những ngôi nhà quê phía sân sau còn đất rộng người ta còn che một mái hiên. Phần không gian này thường dùng để chứa công cụ lao động vừa là nơi chứa cũi, lá dừa khô để đun nấu quanh năm. Nơi đây cũng là nơi lý tưởng cho gà vịt ấp trứng. Những người phụ nữ đảm đang luôn biết chăm chút cho chái bếp hiên sau nhà mình.

Không gian của chái bếp tuy chật hẹp, chứa nhiều vật dụng sinh hoạt của gia đình nhưng sắp xếp sao cho gọn gàng, ngăn nắp là sự khéo léo của người phụ nữ quê. Hồi trước ở quê, khi đi xem mắt dâu là bà già chồng tương lai hay ra dò xét cái chái bếp, nghĩa là cái hiếu hạnh của người phụ nữ được phơi bày trong chái bếp. Hễ bếp núc gọn gàng, sạch sẽ là bà mẹ chồng tương lai cho một điểm rất cao trong những tiêu chuẩn để kén dâu. Với phụ nữ Nam Bộ xưa, chái bếp hiên sau là giang sơn riêng của họ – nơi để chị em trổ tài khéo léo, cũng là nơi cất giữ buồn vui cùng bao uẩn khúc nỗi niềm của đời người phụ nữ theo quan niệm phong kiến là “ăn cơm nguội, ở nhà ngoài”.

Năm tháng qua đi với biết bao sự đổi thay, nhưng ngôi nhà xưa, chái bếp cũ vẫn nguyên vẹn  trong ký ức của mỗi chúng ta về sự sum họp gia đình trong cái không gian chật hẹp đó. Dù cho chúng ta có nhà cao, cửa rộng, phòng khách với nội thất sang trọng cũng không phải là chỗ để quây quần hàng ngày.

Ngay những ngày lễ, tết hay giỗ quãy cái chái bếp hiên sau vẫn là nơi ấm áp nhất. Người ta thèm mùi khói bếp quen thuộc, thèm cái bầu không khí ấm cúng của gia đình. Còn hạnh phúc nào hơn khi tất cả anh em đều tề tựu dưới một mái nhà, bên cạnh cha mẹ già để cùng nhau chuyện trò. Dường như miếng trầu trên môi bà, môi mẹ đỏ hơn khi thấy con cháu trưởng thành và quay về tề tựu bên chái bếp.

Mỗi người mỗi việc bên bếp lửa hồng ấm áp hiên sau. Mâm cơm cúng ông bà cũng cùng chung tay lo liệu. Bánh ít, bánh tét đặc trưng ở miền quê  cũng không thể thiếu trong ngày tết và giỗ quãy của mỗi gia đình. Dọn mâm cơm cúng ông bà tổ tiên và nén nhang đốt lên cũng nói lên lòng thành kính với người đi trước. “Cây có cội, nước có nguồn” thể hiện ngay chính ở phần hồn – một nét văn hóa truyền thống vẫn giữ nếp xưa.

Biết bao con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ căn nhà có chái bếp một thời lam lũ, gian khó đó. Trong góc tâm hồn sâu thẳm của nhiều người chúng ta ai cũng có một miền cố hương để hoài nhớ. Bây giờ ở thôn quê ít dần những ngôi nhà lá và hẵn nhiên chái bếp nhà xưa cũng ít dần. Thời của bếp ga có lẽ cũng vắng dần những câu chuyện vui buồn bên bếp lửa hồng với nồi bánh tét đêm cuối năm…

Nhưng, dẫu sao trong lòng mỗi người sinh ra ở miền quê này vẫn còn đó tươi nguyên hình ảnh và tình cảm một chái bếp. Cái chái bếp dù trong ngày hè oi nồng hay giữa tháng mưa dầm, ngọn lửa chẳng bao giờ tắt và khói lam chiều vẫn vấn vương bên mái lá nhà quê!

Hình ảnh và lời trích từ phim trong Chương trình Ký ức miền Tây
Nguồn: Nguyễn Thường’s Blog

(Bài ST)

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác