QUYẾT ĐỊNHPHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCHVÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------------------------
Số: 2162/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"
-------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030";
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030";
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với các nội dung chủ yếu:
1. Quan điểm phát triển
Thực hiện theo các quan điểm của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và bổ sung các quan điểm phát triển cụ thể đối với vùng Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Vùng) như sau:
a) Phát triển du lịch Vùng theo hướng tăng cường liên kết giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong cả nước và liên kết quốc tế trong phát triển du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn Vùng.
b) Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi, trong đó lấy du lịch văn hóa với hạt nhân là giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch; phát triển du lịch đồng thời với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
c) Khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch xanh để tăng khả năng cạnh tranh.
d) Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
Đến năm 2020, cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu.
Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể
- Về tổ chức không gian du lịch: Hình thành và phát triển 3 địa bàn trọng điểm du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng; 4 khu du lịch quốc gia; 4 điểm du lịch quốc gia; 1 đô thị du lịch; và các khu, điểm du lịch địa phương để tạo động lực phát triển du lịch cho các tỉnh và toàn Vùng.
- Về các chỉ tiêu phát triển ngành
+ Khách du lịch
Năm 2015 thu hút 450 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 13,8%/năm và khách du lịch nội địa là 7,0%/năm;
Năm 2020 thu hút 800 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 12,2%/năm và khách du lịch nội địa là 6,0%/năm;
Năm 2025 thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 5,1 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,5%/năm và khách du lịch nội địa là 5,5%/năm;
Năm 2030 thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 8,0%/năm và khách du lịch nội địa là 5,0%/năm.
+ Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2015 đạt 5.330 tỷ đồng (tương đương 260 triệu USD); năm 2020 đạt 11.070 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD); năm 2025 đạt 17.835 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD); năm 2030 đạt 26.240 tỷ đồng (tương đương 1.280 triệu USD).
+ Đóng góp của du lịch trong GDP: Giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng 10,3%/năm và đạt 4.040 tỷ đồng (tương đương 197 triệu USD) năm 2015; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng 13,2%/năm và đạt 7.524 tỷ đồng (tương đương 367 triệu USD) năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng 9,4%/năm và đạt 11.770 tỷ đồng (tương đương 574 triệu USD) năm 2025; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 7,2%/năm và đạt 16.600 tỷ đồng (tương đương 810 triệu USD) năm 2030.
+ Cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2015 có 22.000 buồng khách sạn; năm 2020 có 30.000 buồng khách sạn; năm 2025 có 37.000 buồng khách sạn; năm 2030 đạt 47.000 buồng khách sạn.
+ Chỉ tiêu việc làm: Năm 2015 tạo 66.780 lao động (trong đó 22.260 lao động trực tiếp); năm 2020 là 117.630 lao động (trong đó 39.210 lao động trực tiếp); năm 2025 là 166.500 lao động (trong đó 55.500 lao động trực tiếp); năm 2030 là 225.600 lao động (trong đó 75.200 lao động trực tiếp).
3. Các định hướng phát triển chủ yếu
a) Phát triển thị trường khách du lịch
- Khách du lịch nội địa
+ Phát triển thị trường du lịch nội vùng và các vùng phụ cận, đặc biệt là từ các thành phố và các trung tâm du lịch lớn; chú trọng khách du lịch với mục đích nghiên cứu văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng núi, giải trí, nghỉ cuối tuần và du lịch gia đình;
+ Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo các chuyên đề đặc biệt (vượt thác, thám hiểm rừng nguyên sinh, leo núi chinh phục đỉnh cao, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn...).
- Khách du lịch quốc tế
+ Thu hút, phát triển các thị trường gần, có khả năng chi trả cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN;
+ Tăng cường khai thác thị trường cao cấp từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc;
+ Nghiên cứu mở rộng các thị trường mới: Ấn Độ, Bắc Âu.
b) Phát triển sản phẩm du lịch
- Ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm chính:
+ Nhóm sản phẩm du lịch nghiên cứu, tìm hiểu di sản văn hóa các dân tộc;
+ Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái Tây Nguyên;
+ Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi;
+ Nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề.
- Phát triển sản phẩm đặc trưng theo các địa bàn trọng điểm và tăng cường liên kết để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
- Đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch lễ hội (festival); du lịch giáo dục; du lịch dưỡng bệnh; du lịch chăm sóc sắc đẹp.
c) Tổ chức không gian phát triển du lịch
- Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch
+ Thành phố Đà Lạt gắn với hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia - Suối Vàng có đặc điểm nổi trội về tài nguyên du lịch tự nhiên, hướng khai thác chủ yếu là du lịch tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Các sản phẩm du lịch chính bao gồm:
Du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ;
Du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa;
Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên;
Du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao;
Du lịch vui chơi giải trí, du lịch golf, du lịch thể thao mạo hiểm;
Du lịch cuối tuần, nghỉ "Trăng mật";
Du lịch MICE (Hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm);
Du lịch lễ hội (festival).
+ Đắk Lắk, Đắk Nông gắn với vườn quốc gia Yokđôn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có đặc điểm nổi trội cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, hướng khai thác chủ yếu là du lịch văn hóa; du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp nông thôn.
Các sản phẩm du lịch chính bao gồm:
Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa: Các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên;
Du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn, nghỉ dưỡng núi và hồ;
Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái vườn quốc gia, các khu bảo tồn;
Du lịch tham quan thắng cảnh;
Du lịch thể thao mạo hiểm;
Du lịch hội nghị, hội thảo, lễ hội (festival);
+ Gia Lai - Kon Tum gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch Măng Đen, điểm du lịch hồ Yaly có giá trị tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, đặc biệt là Nhà Rông, Nhà Mồ.
Các sản phẩm du lịch chính bao gồm:
Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa: các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên;
Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi và hồ (Măng Đen, hồ Yaly, Biển Hồ);
Du lịch biên giới gắn với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia;
Du lịch vui chơi giải trí và thể thao mạo hiểm.
- Khu, điểm, tuyến du lịch và đô thị du lịch
+ Khu du lịch quốc gia
Khu du lịch Măng Đen: Du lịch tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu bản sắc văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng núi, vui chơi giải trí, hội nghị, hội thảo;
Khu du lịch Yok Đôn: Du lịch tham quan, nghiên cứu sinh thái, khám phá mạo hiểm, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, nghỉ dưỡng núi;
Khu du lịch Tuyền Lâm: Du lịch tham quan, nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh chăm sóc sắc đẹp, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch golf, thể thao nước;
Khu du lịch Đan Kia - Đà Lạt: Du lịch nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh chăm sóc sắc đẹp, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch golf, thể thao nước.
+ Điểm du lịch quốc gia:
Điểm du lịch Hồ Yaly: Du lịch tham quan cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao;
Điểm du lịch Ngã Ba Đông Dương: Du lịch tham quan, du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu, mua sắm, quá cảnh;
Điểm du lịch Hồ Lắk: Du lịch tham quan, du lịch vui chơi giải trí cuối tuần, thể thao cắm trại, tham quan bản làng;
Điểm du lịch thị xã Gia Nghĩa: Du lịch tham quan cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị, hội thảo.
+ Đô thị du lịch: Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là đô thị du lịch nghỉ dưỡng.
- Tuyến du lịch
+ Tuyến du lịch chính
Kon Tum - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa - Đà Lạt;
Kon Tum - Kon Plông - Quảng Ngãi - các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ;
Kon Tum - Đắk Tô - Đắk Lây - Đà Nẵng - Miền Trung;
Pleiku - An Khê - Quy Nhơn - các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ;
Buôn Ma Thuột - Nha Trang - các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ;
Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long;
Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Long Hải;
Đà Lạt - Di Linh - Phan Thiết - Long Hải - Vũng Tàu;
Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang - các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ;
Đà Lạt - Nha Trang - các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ;
▪ Đà Lạt - Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ;
▪ Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Campuchia;
▪ Đà Lạt - Buôn Ma Thuột - Kon Tum - Lào.
+ Tuyến du lịch chuyên đề
▪ Tuyến du lịch Con đường Xanh Tây Nguyên;
▪ Tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên;
▪ Tuyến du lịch tham quan hệ thống thác nước;
▪ Tuyến du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá.
- Tổng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển du lịch
+ Nhu cầu cho các khu du lịch quốc gia: 5.500 ha - 7.500 ha;
+ Nhu cầu cho các điểm du lịch quốc gia: 4.300 ha - 6.000 ha.
d) Đầu tư phát triển du lịch
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 60.270 tỷ đồng (tương đương 2.940 triệu USD), bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (gồm cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó phần vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch và được bố trí căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo tiến độ từng giai đoạn.
- Các dự án đầu tư: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia, 4 điểm du lịch quốc gia, 1 đô thị du lịch, các khu, điểm du lịch địa phương được định hướng trong tổ chức không gian du lịch vùng. Đồng thời thực hiện các chương trình: (1) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; (2) Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Tây Nguyên; (3) Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch; (4) Phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch
- Xây dựng quy hoạch tổng thể chung về sử dụng đất trên quan điểm khai thác hợp lý và hiệu quả tài nguyên, bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
- Thực hiện nghiêm túc Luật bảo vệ môi trường; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường du lịch ở những khu vực nhạy cảm như các vườn quốc gia, các khu bảo tồn tự nhiên, các danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa.
- Tăng cường công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện tượng trượt lở đất, lũ quét. Xây dựng các phương án phòng chống sự cố và khắc phục hậu quả để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch và thiên tai đến môi trường ở các khu, điểm du lịch vùng Tây Nguyên.
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đến mọi tầng lớp trong xã hội.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong đánh giá tác động môi trường, kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý và phát triển tài nguyên.
- Khuyến khích các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.
b) Giải pháp về cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù
- Ưu đãi thuế, lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch quốc gia; các sản phẩm du lịch mới có khả năng phát huy các giá trị tự nhiên và nhân văn đặc sắc của vùng; các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng.
- Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thực thi các chính sách phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
- Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tham gia các hoạt động du lịch; khuyến khích bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống và có thế mạnh của Tây Nguyên phục vụ du lịch.
c) Giải pháp đầu tư
- Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; các khu, điểm, đô thị du lịch quốc gia; các khu, điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu vùng xa. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát triển du lịch.
- Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch; thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
- Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài. Tăng cường huy động nguồn vốn ODA cho các công trình trọng điểm trên địa bàn Tây Nguyên như các tuyến đường cao tốc, đường sắt bánh xe răng cưa Phan Rang - Đà Lạt.
d) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Tập trung đầu tư, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề, hình thành mạng lưới đào tạo nhiều cấp độ để tăng nhanh quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp trong ngành du lịch và kỹ năng cơ bản về du lịch cho lao động gián tiếp, người dân tham gia kinh doanh du lịch.
- Thực hiện chính sách Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia để đẩy nhanh công tác đào tạo lại và bồi dưỡng lực lượng lao động trong du lịch, từng bước xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
- Có chính sách đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho lâu dài.
- Có chính sách ưu đãi, chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, chuyên gia và nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
- Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho mọi tầng lớp trong xã hội.
đ) Giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển thị trường
- Tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch vùng Tây Nguyên; tham gia các hội chợ du lịch ở trong nước và quốc tế.
- Xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Nguyên trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
- Tập trung nghiên cứu các thị trường du lịch trọng điểm của Tây Nguyên để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp cho từng thị trường.
- Các doanh nghiệp du lịch chủ động mở rộng liên kết trong việc khai thác các thị trường trong và ngoài nước.
e) Giải pháp tổ chức quản lý quy hoạch
- Tăng cường phối hợp, liên kết công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa Trung ương và các địa phương trong vùng:
+ Tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt ở Trung ương trong việc phối hợp liên ngành, liên tỉnh;
+ Phối hợp, liên kết trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên, phát triển nhân lực du lịch.
- Thực hiện phân cấp quản lý triệt để và thống nhất: Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương quản lý theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm ngành; các địa phương trong vùng trực tiếp quản lý tài nguyên và phát triển du lịch theo quy hoạch ngành, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành.
g) Giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ
- Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, trong phát triển các sản phẩm du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý và viễn thám trong điều tra và theo dõi sự biến động của tài nguyên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng để phục vụ du lịch.
- Thực hiện việc nối mạng các khách sạn và các cửa khẩu quốc tế trong Vùng để quản lý, thống kê khách du lịch một cách hiệu quả.
- Ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
h) Giải pháp liên kết hợp tác phát triển du lịch
- Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên về xây dựng các chương trình du lịch chung của toàn Vùng; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch vùng Tây Nguyên như một điểm đến hấp dẫn.
- Liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch khác:
+ Đối với vùng Bắc Trung Bộ: Kết nối tuyến du lịch con đường Di sản Miền Trung với không gian văn hóa cồng Chiêng Tây Nguyên;
+ Đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Liên kết khai thác sản phẩm du lịch biển đảo, các di sản văn hóa Chăm;
+ Đối với vùng Nam Bộ: Liên kết khai thác du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng biển; tham quan di tích; sinh thái miệt vườn cây trái, sông nước, rừng ngập nước; lễ hội.
- Liên kết, hợp tác quốc tế trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và các nước ASEAN để phát triển các tuyến du lịch: Campuchia - Mộc Bài theo tuyến đường xuyên Á qua Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt; Lào - Bờ Y (Kon Tum) và Campuchia - Lệ Thanh (Gia Lai); Thành phố Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh - Viên Chăn - Băng Cốc; Đà Lạt (Buôn Ma Thuột, Pleiku) - Hà Nội - Trung Quốc.
i) Giải pháp bảo đảm an ninh, quốc phòng
- Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong Vùng; giữa ngành du lịch và các ngành liên quan, đặc biệt với Công an, Bộ đội Biên phòng để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác, liên kết giữa các tỉnh có biên giới với Lào và Campuchia trong phát triển du lịch để góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Phối hợp để chỉ đạo, giám sát các hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên trong việc giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng, những vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia... trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
b) Hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong Vùng triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
c) Chủ trì và chỉ đạo việc thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đối với các khu, điểm du lịch quốc gia trên địa bàn vùng Tây Nguyên; tổ chức sơ kết, tổng kết và điều chỉnh việc thực hiện các quy hoạch này;
d) Phối hợp với các địa phương trong Vùng:
- Điều phối các hoạt động trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển du lịch cho các giai đoạn 5 năm; điều phối triển khai quy hoạch lồng ghép với các kế hoạch và chương trình, dự án phát triển du lịch trên phạm vi toàn Vùng;
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; quy hoạch các khu, điểm du lịch và tổ chức thực hiện các quy hoạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng và cả nước;
- Tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện các quy hoạch khu, điểm du lịch quốc gia;
- Tiến hành sơ kết hàng năm, đề xuất các chính sách phù hợp và điều chỉnh kịp thời các mục tiêu, biện pháp thực hiện cho giai đoạn mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyên ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phối hợp hỗ trợ, phù hợp với yêu cầu của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Theo chức năng và thẩm quyền tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển của các ngành (nếu được xây dựng sau quy hoạch du lịch) phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên; chỉ đạo về chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động của ngành trên địa bàn Tây Nguyên với việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên; tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc giải quyết những vấn đề liên ngành, nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Xác định nhiệm vụ đầu tư Nhà nước cho du lịch, cơ chế chính sách đầu tư du lịch, tín dụng ưu đãi và nguồn lực khác, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển du lịch.
- Chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách đặc thù, cơ chế ưu đãi đối với phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên (xác định rõ địa bàn, đối tượng, hạng mục được ưu đãi).
b) Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc nghiên cứu xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính, thuế, hải quan; bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.
c) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ chức năng liên quan tới phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, đặc biệt là chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, phương tiện giao thông, an toàn giao thông; lồng ghép nội dung phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch vào trong các quy hoạch ngành giao thông; triển khai công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với các mục tiêu phát triển du lịch đã được xác định trong quy hoạch này.
d) Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, phát triển công nghiệp tiêu dùng, làng nghề để đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch; đồng thời kết hợp các chương trình, dự án xúc tiến phát triển du lịch với các chương trình hội chợ, triển lãm về hàng tiêu dùng, các chương trình, dự án xúc tiến thương mại.
đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thực hiện các nhiệm vụ chức năng liên quan tới quy hoạch quỹ đất cho phát triển du lịch; bảo vệ môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về du lịch và liên quan tới du lịch, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động du lịch.
e) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của khách du lịch quốc tế đến vùng Tây Nguyên; thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới với Lào và Campuchia. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam lồng ghép với chương trình du lịch Tây Nguyên ở nước ngoài và phát triển các loại hình du lịch vùng biên giới.
g) Bộ Nội vụ thực hiện những nội dung liên quan đến hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch; tăng cường năng lực của các cơ quan xúc tiến quốc gia và Vùng ở nước ngoài.
h) Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chức năng liên quan đến quản lý thông tin, tuyên truyền du lịch; quản lý ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động du lịch.
i) Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền du lịch; giới thiệu và quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch Vùng cũng như nâng cao nhận thức về du lịch.
k) Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chức năng liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường năng lực cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn vùng Tây Nguyên; chế độ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động, nghỉ lễ, nghỉ phép, nghỉ hè gắn với "tuần lễ vàng" du lịch.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng Tây Nguyên
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chủ động triển khai và mở rộng liên kết với các địa phương trên địa bàn Vùng trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch;
- Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong Vùng;
- Căn cứ nội dung quy hoạch tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, các quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư trên địa bàn phù hợp với quy hoạch tổng thể du lịch Vùng và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Chỉ đạo, quản lý việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, đặc biệt đối với những khu vực được định hướng phát triển thành khu, điểm du lịch quốc gia;
- Chú trọng công tác trật tự an toàn giao thông nhằm cải thiện an toàn cho du khách, nâng cao hình ảnh du lịch vùng và địa phương;
- Giáo dục quần chúng nhân dân gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác lâu dài;
- Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch để phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế cho phát triển du lịch;
- Thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cấp quản lý trong tỉnh để có được những phương án chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư thực hiện sát những tư tưởng phát triển chung của toàn Vùng;
- Tổ chức tốt, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng phối hợp với các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ trong công tác thanh, kiểm tra.
5. Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và các tổ chức xã hội khác
- Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên chủ động bố trí kinh phí xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, dự án đầu tư phát triển du lịch; xây dựng và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá...
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm và định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên để cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình và hỗ trợ về kỹ thuật, về liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch.
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành du lịch và chính quyền các địa phương trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Vùng; vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về du lịch, về quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
- Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng và các hoạt động bảo tồn, khai thác bền vững các giá trị tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường du lịch theo các quy hoạch phát triển du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh trong vùng: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook