Kinh quá, được làm ...vua không ngai

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Lượt truy cập

  • Đang xem
  • Hôm nay 5347
  • Tổng lượt truy cập 10,151,051

Fanpage facebook

Ngày đăng: 08/05/2015, 04:27 pm

"Vua" lan rừng
Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2015 - 9h40'

(Cadn.com.vn) - Thung lũng Troh Bư còn được gọi là "thung lũng cá lóc" nằm trên miền đất Buôn Đôn (Đắc Lắc) huyền thoại. Từ xa xưa đã có nhiều truyền thuyết thêu dệt về vùng đất lắm chiêng nhiều choé này và đến nay du khách có thể ngắm lan rừng mà không cần phải băng rừng lội suối.

Lập "khu bảo tồn lan rừng"

Từ ý tưởng thành lập một nơi để bảo tồn và phát triển lan rừng mà đến nay hơn 215 loài lan rừng đã được anh Đỗ Tuấn Hưng (1972) đưa về trồng và chăm sóc tại khu đất hoang hóa thuộc buôn Niêng, xã Ea Nuôl, H. Buôn Đôn. Dân chơi lan hay du khách đã có một nơi thưởng lãm chỉ cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 12 km... Tôi nghe anh Hưng kể về cái truyền thuyết có một không hai về nơi này: "Ngày xưa có một vùng đất bị Giàng (Trời) làm khô hạn, mấy năm liền không cho một giọt mưa. Đất đai khô hạn, không còn trồng trọt gì được nữa, ngay cả nước uống cũng cạn dần, người dân phải đi những nơi rất xa xôi để tìm nguồn nước từ các sông suối. Lúa, ngô, khoai, sắn đều dùng hết, mọi người phải chia nhau vào rừng để hái rau tìm củ.

Chẳng mấy chốc mà rau củ từ rừng cũng hết nhẵn, muông thú bỏ đi nơi khác không còn để mà săn bắn. Dân làng đã cúng nhiều trâu, bò, lợn, gà mà Giàng vẫn không thương xót. Tù trưởng quyết định bỏ vùng đất đó và dân làng lũ lượt kéo nhau đi tìm miền đất mới. Đã nhiều ngày trôi qua, quãng đường đi rất xa nhưng vẫn một màu nắng cháy, cây cối xác xơ, họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Bỗng một sáng nọ, họ nhìn thấy một vùng cây cối tốt tươi rồi dừng chân bên  suối nhỏ và điều lạ lùng là ở đây vô vàn cá lóc, ăn mãi không hết, chúng cứ sinh sôi nảy nở hoài. Vì thế mới có cái tên thung lũng Cá Lóc như bây giờ".

 

Đỗ Tuấn Hưng được mệnh danh là "vua" lan rừng Tây Nguyên.

Có được mảnh đất 2 ha nhiều cây cối anh Hưng quyết định đưa lan rừng về đây trồng vì biết rằng những cánh rừng ở Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng là thiên đường sống tuyệt vời cho lan rừng. Nhưng, thời gian gần đây việc tàn sát rừng diễn ra nghiêm trọng, các  dự án thay rừng bằng cây cao su vẫn liên tục tiếp diễn, đe dọa trực tiếp đến loài cây đặc biệt này. Anh bảo: "Thật không may cho lan rừng khi những cánh rừng bị hạ sát nghiêm trọng. Ngay từ khi ý tưởng thành lập một khu bảo tồn lan rừng đã bị nhiều người phản đối vì lan rừng phải sống trong rừng chứ ai lại đưa nó về nhà bao giờ. Nhiều dự án trồng cao su được thực hiện, cây cối bị đốn ngã, lan rừng cũng ngã theo, khi còn sống bám trên cây thì nó trở thành huyền thoại, xuống đất thì chúng trở thành một mớ nhùng nhằng. Tôi phải thuê người đến những nơi rừng bị hạ sát để cứu lan rừng về với mình". Anh Hưng có vẻ rất tâm đắc về kế hoạch giải cứu lan rừng này lắm, thoát khỏi đại họa cưa máy và búa đục đang "nện" vào cây mẹ trong rừng xanh.

Dạo một vòng quanh khu bảo tồn, mọi ngóc ngách, thân cây đều được anh Hưng tận dụng làm nơi sống cho lan rừng. Anh tâm sự: "Đến nay khu bảo tồn lan rừng của tôi có trên 215 loài, tôi nhập thêm hơn 50 loại lan nhà để tô điểm cho khu vườn của mình. Nhưng đó không phải là dấu chấm hết, giấc mơ của tôi là "Ngũ bách lan viên", tức là xây dựng vườn lan 500 loài". Ngày xưa, khi triều đại nhà Trần hưng thịnh, vị vua Anh Tông ngoài cầm, kỳ, thi, họa còn có một thú chơi đặc biệt tao nhã: chơi lan. Ông đã xây dựng cho mình một vườn lan trong vườn thượng uyển với hơn 500 loài quy tụ từ trong nước và Lào, Chiêm Thành, Phù Nam, Xiêm La... lập ra các chức quan để trông coi chăm sóc lan như Tầm lan quan với nhiệm vụ sưu tầm, Nữ giám lan chuyên chăm sóc, vun trồng.

Với ý tưởng có một không hai này, Đỗ Tuấn Hưng đã được dân chơi lan và người dân Tây Nguyên gọi với cái tên "Vua lan". Nhưng với anh, danh hiệu không quan trọng, cái thiết thực nhất là lan rừng được vun trồng và chăm sóc một cách chu đáo nhất. Để một mai những cánh rừng Tây Nguyên dần biến mất thì vẫn còn lại cái hồn của rừng núi, đó chính là lan rừng.

Giữ hồn cho Tây Nguyên

Không những thành công trong việc thành lập một khu bảo tồn lan rừng độc nhất vô nhị. Đỗ Tuấn Hưng còn là người đam mê sưu tầm và giữ gìn cốt cách Tây Nguyên. Ngay trong khu bảo tồn lan rừng, nhiều vật dụng liên quan đến đời sống các dân tộc cũng được lưu giữ. Anh cất công đi các vùng miền để sưu tầm về cho mình chiêng ché, tượng nhà mồ, gùi, mỏ trâu, xoay tơ, tổ chim...

 

"Có người gạ đổi chiếc thuyền độc mộc lấy ô-tô hạng sang, nhưng không bao giờ tôi đổi"-anh Hưng tâm sự.

Đặc biệt có hai món "bảo vật" được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng anh Hưng nhất quyết không bán. Đó là chiếc thuyền độc mộc lớn nhất Việt Nam, dài 9 mét, rộng 1,75 mét là phương tiện sông nước đặc trưng của người Ê Đê, Lào trên vùng đất Buôn Đôn. Kiệt tác này được nghệ nhân Nay Nen Lào - Đệ nhất đẽo thuyền độc mộc Buôn Đôn dồn tâm sức đẽo gọt trong 6 tháng trời. Năm 1989, Nay Nen Lào thấy sức khỏe đã yếu, ông quyết tâm làm một cái gì đó để đời trên vùng đất này, cây sao xanh bị chết ở Vườn quốc gia Yok Đôn được ông xin một đoạn thân về làm thuyền. Nhiều người gạ mua, đổi chác nhưng con cháu của Nay Nen Lào đã quyết định bán cho anh Hưng vì họ muốn chiếc thuyền này mãi mãi ở lại với Buôn Đôn. Anh Hưng cho biết: "Chiếc thuyền độc mộc này thuộc về con cháu của Nay Nen Lào, nhưng để bảo quản nó không phải là việc dễ dàng, nên họ quyết định bán. Nhiều người mua với giá rất cao nhưng họ vẫn bán cho tôi với điều kiện nó phải ở lại với Buôn Đôn. Tôi mang về trưng bày, nhiều người đến gạ đổi một chiếc ô - tô sang trọng nhưng tôi vẫn lắc đầu".

 

Bộ đàn đá bảo vật được trưng bày để du khách thưởng lãm.

Bảo vật thứ hai là bộ đàn đá 30 thanh với 23 thanh phát ra tiếng kêu trầm bổng. Anh bảo được một người dân trong vùng lúc đào hố lấy nước tưới cà-phê phát hiện khi nó được chôn giấu trong một ụ đất cao tựa tổ mối. Nhiều nghệ nhân cho rằng đây là bộ đàn đá cổ xưa nhất Tây Nguyên, ngày xưa vì một lý do nào đó mà một bộ tộc phải di chuyển đến nơi khác. Vì các thanh đá quá đồ sộ nên không thể di chuyển xa được, họ đành chôn cất lại để sau này có cơ hội quay trở lại lấy.

Điểm đặc biệt hơn, trang trại sinh thái và khu bảo tồn lan rừng của anh Hưng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, khách đến xem không cần mua vé hay một khoản tiền nào khác. Nhiều người bảo rằng anh đang làm du lịch theo hướng mới nhưng  anh vẫn tâm nguyện rằng lưu giữ được cốt cách Tây Nguyên là thành công lắm rồi, giá trị tâm linh, tinh thần không phải có tiền bạc là mua được.

Tứ Đức

 

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Các dịch vụ khác